Cảnh báo lây nhiễm mã độc tống tiền qua email, mạng xã hội tại Việt Nam

16:55 | 10/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục An ninh mạng vừa đưa ra các thống kê cho thấy tỉ lệ và số lượng người dùng Internet Việt bị nhiễm mã độc rất cao. Trước tình hình đó, cả cơ quan chức năng và người dùng đều cần phải hành động.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (trực thuộc Bộ Công an) đã kết hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức Hội thảo chuyên đề “An ninh, an toàn thông tin mạng – Chìa khóa đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển bền vững cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” vào ngày 10/09.
 
Theo thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm nay, nước ta có tới 4,2 triệu địa chỉ IP bị lây nhiễm mã độc các loại. Người Việt đã thực hiện 7,8 tỷ lần kết nối tới 16,7 nghìn địa chỉ IP nguồn của nhiều loại malware khác nhau. Chỉ trong 5 tháng, đây là con số rất đáng báo động. Trước đó, vào năm 2019, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nhiễm mã độc tống tiền cao nhất châu Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 3 về tỷ lệ các cuộc tấn công bằng mã độc khai thác tiền điện tử.
 
Cảnh báo lây nhiễm mã độc tống tiền qua email, mạng xã hội tại Việt Nam - ảnh 1Người dùng Việt vẫn còn rất chủ quan, là "mồi ngon" cho các tội phạm công nghệ
 
Nhìn chung, rất nhiều người Việt dùng Internet vẫn còn khá chủ quan, không biết cách bảo vệ bản thân. Ví dụ như ngay vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Emotet - một loại mã độc lây lan qua các email spam (thư rác) được cho là nguy hiểm nhất từ trước đến nay đã tấn công dữ dội vào các địa chỉ Việt Nam. Loại mã độc này nhắm vào những người thiếu tính cảnh giác, nhấn vào những email spam và file dữ liệu không rõ địa chỉ để lan rộng. 
 
Hay như trong mấy tháng diễn ra dịch bệnh Covid-19, Cục cũng thống kê được mỗi ngày, ở Việt Nam có đến khoảng 60.000 tin nhắn lừa đảo được gửi đi. Ví dụ như tin nhắn mạo danh cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh,...
 
Theo một chuyên gia về an ninh mạng, nếu không cảnh giác đọc kỹ tên và địa chỉ người gửi, rất nhiều người sẽ nhấn vào và bị “cài” mã độc nhanh chóng. Để phòng tránh các loại mã độc, bảo vệ sự an toàn, thông tin cá nhân của bản thân, người dùng cần cảnh giác hơn khi dùng mạng. Trước hết là giữ thói quen không mở email, liên kết, mở tập tin đáng ngờ trong mọi trường hợp (trên mail, web, mạng xã hội,...). Bạn cũng nên hạn chế cung cấp thông tin cá nhân khi được yêu cầu trên Internet. 
 
Cảnh báo lây nhiễm mã độc tống tiền qua email, mạng xã hội tại Việt Nam - ảnh 2Sự cảnh giác của người dùng là yếu tố đơn giản nhưng quan trọng nhất để chống mã độc
 
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến nghị nên đầu tư các giải pháp công nghệ như phần mềm diệt virus, hệ thống bảo mật cao cấp,... để phòng chống tấn công mạng. 
 
Cục An ninh mạng cũng đã và đang hợp tác với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft để áp dụng nhiều biện pháp bảo mật tân tiến cho an ninh mạng quốc gia. Tiêu biểu là các giải pháp áp dụng trên nền điện toán đám mây và ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI.
 
Trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số, những thách thức để bảo vệ an ninh mạng cũng tăng cao. Công cuộc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao sẽ cần sự tham gia của cả cơ quan chức năng lẫn mọi người dùng.