Cảnh báo mạo danh sàn TMĐT quốc tế tuyển đại lý để lừa đảo

Trang Mai 07:51 | 07/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù liên tục phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo qua sàn thương mại điện tử, thế nhưng các đối tượng xấu luôn tìm cách biến tướng, vẽ ra những cơ hội làm ăn không cần vốn để dụ dỗ người tham gia. Mới đây, nhiều nạn nhân cho biết đã bị lừa tiền qua trang web có tên “Etsy Việt Nam”, được giới thiệu là chi nhánh của Etsy tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu, sàn Etsy chính thức có tên miền là https://www.etsy.com/, sau đó đã bị các đối tượng lừa đảo thiết kế website có tên miền gần giống là https://etsy-vn.com/.

Các đối tượng lừa đảo đã xây dựng các page chạy quảng cáo trên mạng xã hội với giao diện y như thật, nếu không tinh ý sẽ rất dễ bị nhầm lẫn. Với những lời quảng cáo đánh trúng tâm lý tìm việc làm online của nhiều người, nhất là các phụ nữ sau sinh muốn kiếm thêm việc làm. Khi người dùng click vào thông tin quảng cáo, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra các hướng dẫn để mở gian hàng trên web giả mạo với các thao tác rất đơn giản. Sau khi dụ dỗ được người mở gian hàng, các đối tượng này sẽ "để sẵn" trong đó 100 USD (tương đương gần 2,5 triệu đồng). Sau khi tạo được lòng tin bởi những đơn hàng nhỏ "miễn phí" đầu tiên, người dùng sẽ phải nạp tiền để hoàn thành những đơn hàng lớn với hoa hồng cao hơn. Khi số tiền đủ lớn, tài khoản sẽ bị đóng băng. Lúc này, các đối tượng sẽ doạ nạn nhân rằng nếu không tiếp tục nạp tiền để "mở khoá" thì sẽ mất luôn tài khoản. 

 Sàn Etsy thật và giả mạo. Ảnh: Mai Trang

Trong vai một người cần mở gian hàng, phóng viên đã nhắn tin cho fanpage Esty VN về việc muốn tìm hiểu và kinh doanh, ngay lập tức, phóng viên được hướng dẫn với những lời giới thiệu cực kỳ hấp dẫn: 

“Mô hình Dropshipping khác hoàn toàn so với mô hình kinh doanh truyền thống anh chị không cần lo lắng về cửa hàng và kho bãi kể cả chi phí vận chuyển và đóng gói sản phẩm. 

Chị đóng vai trò hoàn toàn là một người bán trung gian kết nối người tiêu dùng và nhà sản xuất trên toàn thế giới với phần trăm lợi nhuận tối thiểu là 15%.

Chị cũng không cần phải nhập hàng, không cần phải bỏ vốn. Vì đã có 120 USD (2.940.000 VNĐ) vốn lưu động từ hệ thống. Lợi nhuận chị thu được dựa vào giá chênh lệch giữa giá tại kho và giá chị bán ra. Sàn Etsy sẽ hỗ trợ ship hàng và xuất kho. Sau khi đơn hàng giao thành công (từ 3 đến 7 ngày). Doanh thu sẽ được cộng trực tiếp vào ví tiền”.

 Mô hình được cho là không cần bỏ vốn nhưng có thể thu lợi nhuận tối thiểu 15%. Ảnh: Mai Trang

Khi được hỏi về phương thức tìm kiếm khách hàng, đơn vị này cho biết: “Không phải lo về vấn đề quảng cáo hay marketing vì hiện tại Etsy có hơn 95 triệu khách hàng trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Website của hệ thống có hơn 95 triệu khách hàng, một thị trường rất lớn, rất tiềm năng nên không cần lo lắng về việc đi kiếm nguồn khách hàng”. 

Trên Facebook, trang Etsy VN cũng thường xuyên đăng tải những lời quảng cáo: “Hình thức dropshipping dành cho mọi nhà bán lẻ với tiêu chí 4 không: Không phí vận chuyển, không phí quảng cáo, không tồn kho, không ôm hàng”. 

Sàn TMĐT Etsy hiện không có chi nhánh ở Việt Nam, mọi quảng cáo đều là giả mạo.

Sau khi nhận được sự tin tưởng, nhân viên tư vấn sẽ gửi một đường link để đăng ký gian hàng. Ngay khi tạo thành công, “con mồi” sẽ vào kho hàng của Etsy để chọn ra 200 sản phẩm trong số hơn 10.000 sản phẩm có sẵn của hệ thống. “Công việc của mình là hiểu về những sản phẩm đang bán trong cửa hàng của mình, để khi có khách hỏi mình tư vấn cho họ.

Với mỗi sản phẩm chị giúp nhà sản xuất bán ra sẽ được hưởng 15% giá trị lợi nhuận của sản phẩm đó”, sàn Etsy VN giả mạo cho hay. 

Chia sẻ với phóng viên, chị H. (sinh năm 2000), một nạn nhân của sàn Etsy VN tâm sự, mới đầu chỉ là những đơn hàng rất nhỏ, giá trị 10-20.000 đồng. Đơn đầu tiên thì tiền gốc là 100.000 đồng, sau đó được hoàn cả hoa hồng là 177.000 đồng. Sau đó, giá trị tăng dần lên, đến khi lên tới cả chục triệu thì H. mới biết mình đã bị lừa. 

“Nó (đối tượng lừa đảo trực tuyến - PV) bảo em là đi vay mượn tạm đi, tí nhận được tiền về rồi trả lại này kia, không có tiền đi cầm đỡ chiếc xe cũng được. Em phải lấy vàng đi bán hết để nộp tiền vào tưởng lấy lại được tiền ai dè…”, H. nghẹn ngào. 

Đáng buồn hơn, H. vừa sinh đứa con thứ 2, hiện tại không có thu nhập. H. đã bị lừa hơn 60 triệu đồng, là số tiền bán vàng, tiền bảo hiểm sinh đẻ và cả cầm cố xe máy. “Đó là tất cả những gì còn lại, giờ em chỉ còn tay trắng, chồng còn bảo sẽ li dị”, H. nói. 

Nhưng chục triệu vẫn được coi là “ít”, đã có nạn nhân bị lừa tới hàng tỷ đồng. 

Thông tin từ Vietnamnet, chị T. bị lừa tới 1,3 tỷ đồng qua một sàn thương mại điện tử có tên ebstore.sale. Thậm chí chồng chị ở Nam Định còn gửi bệnh án cho nhóm đối tượng lừa đảo, năn nỉ chúng rủ lòng thương nhưng dĩ nhiên không được. 

Theo đó, chị T. cũng tham gia mở gian hàng với phí 0 đồng. “Mọi giao dịch trên trang TMĐT này đều dùng USD. Vừa mở gian hàng, em được nhận luôn 100 USD tương đương 2,4 triệu đồng về tài khoản để làm vốn. Khi có khách đặt hàng, em lại nạp tiền vào thanh toán cho kho. Công ty sẽ giao hàng cho khách. Sau 3-5 ngày, doanh thu đơn hàng đó sẽ được ghi nhận vào tài khoản của em trên app cùng hoa hồng 13%”, chị T. kể lại.

“Khi có tiền lãi, em rút thử thấy tiền về tài khoản ngân hàng luôn nên cũng yên tâm. Số đơn càng ngày càng nhiều lên, giá trị đơn hàng cũng tăng lên 1 triệu, 2 triệu đồng… em lại phải nạp tiền vào thanh toán. Số tiền bán của các đơn hàng trước đó phải sau 3-5 ngày mới về tới tài khoản, chưa bằng 1/2 số tiền em phải thanh toán trong ngày cho các đơn hàng mới", chị T. kể tiếp.

 Trang website các đối tượng dùng để lừa chị T. Ảnh: NVCC

Nhưng sau đó vài ngày, số lượng đơn hàng bắt đầu tăng lên đột biến, chị T. thấy trong gian hàng của mình xuất hiện những mặt hàng đắt tiền như tivi, máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt… mỗi sản phẩm toàn 17-18 triệu đồng.

 Những "khách nước ngoài" đặt mua đơn hàng lớn, thực chất là đối tượng sàn giả mạo cài cắm để lừa nạn nhân. Ảnh: NVCC

Nhưng chị T. cứ thanh toán xong đơn này thì lại có đơn hàng mới gối vào. "Tiền của các đơn hàng cũ về em lại có gấp 2 gấp 3 đơn mới cần thanh toán. Em nói với công ty em không có khả năng thanh toán số lượng đơn hàng lớn như vậy. Họ tư vấn em đóng cửa hàng rồi công ty sẽ tất toán số tiền tổng doanh thu và hoa hồng về cho em”.

Lúc đó, chị mới nhận ra rằng dù có nạp bao nhiêu thì họ cũng sẽ có lý do để giữ lại tiền. Nhưng số tiền “một đi không trở lại” đã lên tới 1,3 tỷ đồng - con số tích góp cả đời của 2 vợ chồng, mà đây còn là số tiền chữa bệnh của chị T. 

 Ảnh giao dịch chị T. liên tục gửi đi để mong lấy lại tiền. Ảnh: NVCC

Lừa đảo làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng online

Thông tin trên An ninh nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Chí Công, Phó Trưởng Công an phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết: Các đối tượng lợi dụng kết nối với bị hại qua mạng xã hội, sau đó mời nạn nhân làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng sau đó nhận hoa hồng qua sàn thương mại như Shoppee, Lazada,… Sau khi các bị hại thực hiện các lệnh chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định. Từ đó các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền đó.

Trên thực tế, thủ đoạn lừa đảo này không mới, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin “sập bẫy” của các đối tượng. Sau khi dụ dỗ bị hại chuyển thêm tiền để được rút số tiền có trong tài khoản với mức lợi nhuận lớn, nhận thấy bị hại không còn khả năng chuyển thêm tiền thì các đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc, xóa tài khoản của bị hại.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.