CEO REE Corp: Không cổ phần hóa các mảng, sẽ đầu tư loạt ngành mới điện rác và LNG, TOD, DC

H.L 12:33 | 01/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đạt mục tiêu tăng trưởng thường niên 15%/năm, CEO Mai Thanh cho rằng công ty cần mở rộng công suất các ngành điện nước, đồng thời đầu tư các ngành mới như bất động sản TOD, trung tâm dữ liệu, điện khí hóa lỏng (LNG)...

Sáng ngày 1/4, Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (Mã: REE) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bàn về kế hoạch kinh doanh 2025, kế hoạch phân phối lợi nhuận, thay đổi nhân sự thượng tầng, chiến lược đầu tư các mảng....

Quang cảnh phiên họp cổ đông REE Corp. Ảnh: HL.

Kế hoạch 2025

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 10.248 tỷ đồng trong năm 2025, tăng hơn 22% so với năm ngoái. Nếu đạt được, đây sẽ là lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 2.427 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ và chỉ thấp hơn mức kỷ lục của năm 2022.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 15% các năm tới thì phải mở rộng công suất và phát triển kinh doanh, đây là ưu tiên hàng đầu của công ty.

Các hoạt động này bao gồm mở rộng công suất năng lượng; tăng công suất sản xuất nước (một dư án mới khoảng 300.000 m3/ngày) và dự án đốt rác phát điện (WTE) công suất 2.000 tấn/ngày; mở rộng đầu tư sang các ngành mới như phát triển bất động sản theo trục giao thông (TOD), hạ tầng trung tâm dữ liệu (DC)…

Nguồn: HL tổng hợp.

Trong đó, mảng doanh năng lượng của REE tiếp tục ổn định với mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, đóng góp chủ lực vào doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn.

REE Energy sẽ chủ động đề xuất dự án trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với mục tiêu nâng công suất thêm 100MW trong năm 2025, thêm 500MW trong vòng 3 năm tới và kỳ vọng tổng công suất đạt 2.000 – 3.000 MW cuối năm 2030.

Kế hoạch đến 2025 có thể nhân 5 lần công suất hiện tại lên khoảng 5.000 MW. CEO Mai Thanh cho rằng đây là kế hoạch khiêm tốn, xem là các con số tối thiểu.

Kinh doanh bất động sản năm nay dự kiến đạt 2.112 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2024. Lợi nhuận cũng tăng vọt 58% lên 803 tỷ đồng, đóng góp khoảng 1/3 lợi nhuận toàn công ty.

REE Land được kỳ vọng đột biến nhất khi hoàn thành bán hàng tất cả các sản phẩm thấp tầng còn lại ở khu dân cư The Light Square tại thành phố Thái Bình; tiếp tục tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho tòa nhà văn phòng New City; tìm kiếm quỹ đất với quy mô nhỏ để tập trung phát triển các tòa nhà văn phòng.

Với mảng cơ điện M&E, REE tin rằng thị trường cơ điện nhà máy có nhiều tiềm năng phát triển khi chính phủ đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư nước ngoài và đầu tư công.

Công ty thành viên mảng này ghi nhận hợp đồng ký mới đạt hơn 5.100 tỷ đồng năm ngoái, vượt 28% so với kế hoạch năm và gần gấp 5 lần so với cùng kỳ. Kết quả nhờ trúng thầu nhiều dự án lớn, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành (2.534 tỷ đồng).

Với tổng giá trị hợp đồng chuyển tiếp sang năm 2025 đạt mức 5.556 tỷ đồng, REE M&E tin rằng sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận được đặt ra.

Bà Mai Thanh cho biết phải tập trung triển khai dự án sân bay Long Thanh đúng tiến độ và ngân sách đề ra, mở rộng sang các dự án năng lượng tái tạo và điện khí hóa lỏng, xử lý chất thải, trung tâm dữ liệu...

Với mảng cấp nước, REE Water đặt mục tiêu tăng trưởng nhẹ trong năm 2025. Hoạt động dịch vụ kỹ thuật cấp nước của công ty TNHH TK Cộng đang có hợp đồng với nhiều nhà máy nước trên cả nước, đang phối hợp cung cấp công nghệ/thiết bị cho một số công trình nhà máy nước ở Philippines.

Chia cổ tức 25%

Công ty tiếp tục duy trì chính sách cổ tức ổn định với tổng mức 25%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu cho năm 2024.

Với hình thức tiền mặt, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng. REE đã chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức vào ngày 28/2 và thời điểm thanh toán sẽ vào 4/4. Công ty dự chi hơn 470 tỷ đồng để thanh toán đợt này.

Với hình thức cổ phiếu, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Với hơn 471 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến phát hành thêm gần 70,7 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ lên trên 5.400 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp REE chia cổ tức ổn định 25%, bao gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Cổ tức giai đoạn 2016-2019 khoảng 16-18%, riêng năm 2020 không chia cổ tức do khó khăn vì Covid-19.

Đối với năm 2025, công ty có kế hoạch tạm ứng tối đa 10% bằng tiền mặt để có nguồn vốn đầu tư.

Thay đổi nhân sự thượng tầng

Hội đồng quản trị thống nhất đề cử một ứng viên để bầu bổ sung vào vị trí thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023 – 2027. Đó là ông Ashok Ramachandran (sinh năm 1980), quốc tịch Australia.

Trước đó vào 12/2, công ty có nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Huỳnh Thanh Hải.

Ông Ashok Ramachandran có trình độ thạc sỹ. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong vai trò kỹ sư, quản lý và điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Châu Á. Vị này đang làm Giám đốc điều hành công ty JSW Energy - một trong những công ty năng lượng hàng đầu Ấn Độ.

Phiên Thảo luận

 

Công ty có còn kế hoạch cổ phần hóa các mảng kinh doanh không?

CEO: Hoàn toàn không, không có kế hoạch gì cả. Chúng ta đừng thoái vốn, giữ nguyên tài sản để giá trị của REE nguyên vẹn.

Khả năng tăng vốn hoặc thoái vốn tại 1 số công ty liên kết?

CEO: Với những nhà máy điện liên kết, khi Nhà nước thoái vốn thì chúng tôi nghiên cứu để mua, nhưng phụ thuộc về hiệu suất sinh lời như thế nào. Hy vọng nhà nước bán cổ phần ở các nhà máy nhỏ để đầu tư công suất lớn như điện hạt nhân, LNG.

Với nhà máy Sử Pán 2, công ty hiện không có kế hoạch thoái vốn nào cả. Công ty chỉ bán cổ phần trừ khi đối tác quá kỳ cục hoặc công suất quá nhỏ mới nghĩ đến thoái vốn.

CEO Nguyễn Thị Mai Thanh chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: HL.

ĐỊnh hướng phát triển công suất mới, bán cho EVN hay bán trực tiếp đến người dùng cuối. Chi phí chuyển tải bao nhiêu?

CEO: Các dự án đang trong kế hoạch đăng ký bán cho EVN, mức giá đưa ra thấp hơn thực tế rất nhiều. Tuy nhiên nhờ suất đầu tư giảm khá nhiều so với trước đây, nên với giá điện đó thì có IRR 5-10%, nếu khéo léo thì có thể tăng vài phần trăm.

Hiện có 2 cơ chế để bán. Một số dự án đăng ký và được revise quy hoạch VIII để bán trực tiếp cho user cuối. Công ty đang tiếp cận một số user lớn nước ngoài và họ cũng chủ động tiếp cận, đang giới thiệu điều kiện căn bản về hợp đồng.

Có nhiều nhà đầu tư lớn ngỏ ý, họ chỉ cần chào giá bán mà chưa cần thông tin chi tiết khác. Chúng ta đang tiếp cận 3-5 khách hàng lớn, trong đó có chuẩn bị ký 1 doanh nghiệp lớn ở VN. Hai bên cần nhau, họ cần tỷ lệ năng lượng sạch trong hoạt động và REE cần giải tỏa công suất.

Đã sẵn sàng người mua, thì khi đó mới có thể trả lời trong quy hoạch VII. Phải chủ động chuẩn bị với cả ngân hàng. Đây là vấn đề các bên đều quan tâm, mình chuẩn bị thì sẽ đi trước đối thủ.

Mở rộng mảng LNG và DC, là nhà thầu hay chủ đầu tư? Chiến lược chi tiết xây dựng TOD?

CEO: LNG thì có một số bên tham gia, thậm chí mời REE góp vốn đến 49-51%. Tuy nhiên HĐQT nhận thấy việc đồng ý đi với ai đó thì có những điều kiện, có sức mạnh gì để đấu trên thị trường hay không, phải suy nghĩ về năng lực.

Khi đầu tư phải hiểu năng lực tài chính, có vẻ tiêu chí đấu thầu chưa hợp lý, giá bán điện và đáp ứng tài chính. Không loại trừ khả năng tham gia đầu tư LNG, trong đó chắc chắn tham gia phân khúc vực cơ điện, bởi có nhiều khối lượng công việc cho khối này tham gia.

DC thì chúng tôi chưa có hiểu biết rõ, đầu tư cho thuê thì cũng chưa nghĩ tới, mà mới nghĩ tới đầu tư hạ tầng. Chúng tôi đang xin giấy phép nhưng còn đang hạn chế trong tiếp cận xin giấy phép và đối tác cụ thể để đưa ra yêu cầu, nên giai đoạn này chỉ tham gia tư cách nhà thầu.

Bất động sản bán ở Thái Bình đã bán villa chưa hay chỉ bán đất?

BĐS trong năm nay sẽ ghi nhận lợi nhuận, còn villa sẽ tiếp tục bán để ghi nhận lợi nhuận.

Suất đầu tư điện gió REE tính toán trên 1MW?

CEO: Chính phủ đang thí điểm và chưa thấy dự án cụ thể để tính toán,

Suất đầu tư điện gió gần bờ REE đang có 1 dự án đang đấu thầu EPC. Công ty đang đàm phán mua tuabin và móng cọc, trạm biến áp, truyền tải. Suất đầu tư đâu đó nằm trong khoảng IRR chính phủ cho và doanh nghiệp kỳ vọng, con số cụ thể còn hơi tế nhị nhưng đang làm việc để IRR tối đa có thể.

Bán cho người mua trực tiếp thì có thể giá cao hơn, bởi 1 số người mua không phải quan tâm giá mà là tỷ lên năng lượng tái tạo trong hoạt động, chưa xác định mức giá cuối cùng, hy vọng giá cao hơn so với EVN.

Trong định hướng chung là phát triển công suất để đạt tăng trưởng HĐTQ mong muốn là 15%/năm. Nếu đến 2030 muốn phát triển 2.000MW, với suất đầu tư 1,6 triệu USD, thì cần đến 3,2 tỷ USD.

Vốn đối ứng khoảng 1 tỷ USD, chỉ riêng lĩnh vực điện, nên có thể cân nhắc chia cổ phiếu. Mỗi năm công ty cần 2.000-3.000 tỷ đồng để đầu tư điện, thậm chí cần cao hơn và phần còn lại vay ngân hàng. Mỗi năm làm lợi nhuận 2.500 tỷ thì để hết để tái đầu tư.

Kết quả kinh doanh quý I và môi trường kinh doanh 2025?

CEO: Môi trường 2025 là rất khả quan khi Chính phủ tạo điều kiện pháp lý hơn và muốn kiến tạo hơn, môi trường rất tích cực.

Kết quả quý I năm nay sẽ không xấu hơn mà sẽ tốt hơn cùng kỳ. Trong đó mảng điện tích cực, mảng nước có chuyển biến dù chưa nâng giá bán.

 

Đánh giá về cạnh tranh với Vingroup?

CEO: Chúng tôi nghĩ mọi nhà đầu tư đều có cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo và Vingroup hoàn toàn tham gia, trước đó cũng có hàng trăm nhà đầu tư xếp hàng xin giấy phép đầu tư vào năng lượng tái tạo và chắc là Vingroup cũng xếp hàng.

Vingroup có thể thấy xu hướng cần thêm nguồn điện nên họ đăng ký, chúng tôi theo dõi rất sát các nhà đầu tư. Chúng tôi thấy bình thường, cũng cố gắng tiếp tục quan sát để đấu thầu với các nhà đầu tư.

Có thoái vốn VIB?

Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình: Đến thười điểm này chưa có kế hoạch vốn. VIB đặt mục tiêu tăng trưởng 18-21% và duy trì mức tăng hai con số, đồng thời giữ mức chi trả cổ tức tiền mặt nên không có ý định bán VIB, giữ lại sẽ đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Hiện tính theo giá trị trường đâu đó được lời được 60% trên giá vốn, ngân hàng này vẫn có chi trả cổ tức các năm bằng tiền mặt,

CEO: tính sơ sơ theo giá thị trường đang có lời khoảng 400 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào VIB. Chúng tôi cần vốn đầu tư năng lượng tái tạo, khi nào cần vốn thì có thể thoái còn hiện tại thì vẫn giữ.

Quá trình đàm phán với EVN ra sao?

CEO: Vẫn đang đàm phán với EVN không chỉ về giá điện mà còn là công suất. Chúng tôi thấy suất đầu tư khác nhau sẽ có giá điện khác nhau, ngoài ra còn các tiêu chuẩn khác cần công bố. Điện gió ngoài khơi có công bố sơ bộ đâu đó sẽ huy động 60%, còn 40% phụ thuộc vào tiêu thụ hệ thống. Chúng ta cần phải tính toán trên cơ sở này, hiện đàm phán vẫn chưa rõ ràng về công suất mua và giá.

Chúng tôi có đề nghị nên chăng một số loại hình điện gió có 1 mức giá và tỷ lệ bao tiêu nhất định, chứ không nên đàm phán nữa. Điều này sẽ rút ngắn thời gian ra hợp đồng, đàm phán rất lằng nhằng và cũng chưa chắc có thể ra quyết định, bởi quy trình ra quyết định còn rất dài.