Chỉ có 300 doanh nghiệp CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

16:13 | 03/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Những năm qua, dù đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta vẫn còn hạn chế…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp đã được cải thiện. Ngành điện tử gia dụng đạt 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô-xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.

Tuy nhiên, cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%;  điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội mới đây cho thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2017, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 258.700 xe. Năm 2018, sản lượng tiếp tục được duy trì đạt trên 250.100 xe/năm. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ô tô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động.
Chỉ có 300 doanh nghiệp CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - ảnh 1
 Chỉ có 300 doanh nghiệp CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa đối với dòng xe cá nhân đến dòng xe 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt mức 65-70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình cho rằng, Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Bởi số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo quá thiếu, đặc biệt là ngành CNHT. Ngay cả với doanh nghiệp mạnh nhất thì vấn đề đặt ra vẫn là giảm chi phí để đáp ứng được yêu cầu của đối tác. “Doanh nghiệp Việt rất giỏi khi tham gia vào được mạng lưới sản xuất, bởi họ “tay không bắt giặc”, không phải “sân sau” của ai mà hoàn toàn dùng năng lực và sự cố gắng của mình.

Tuy nhiên, thị trường đến một lúc nào đó sẽ bão hòa, muốn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi và mở rộng quy mô thì họ phải thay đổi. Khó khăn nhất vẫn là phải giảm được giá thành sản xuất. Muốn vậy thì quản trị phải tinh gọn, đạt được chứng chỉ quốc tế, quy trình sản xuất phải tiết kiệm chi phí, nhân lực nhất có thể. Đối với doanh nghiệp cung ứng, bất kể ở lĩnh vực sản xuất nào thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đào tạo nhân lực, chia sẻ những kinh nghiệm công nghệ, thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác, khi đó sẽ tìm hiểu được những mong muốn, nhu cầu của nhau.

Bà Bình cho rằng, lĩnh vực CNHT luôn đòi hỏi kinh nghiệm, vốn để đầu tư máy móc, công nghệ  nhưng lợi nhuận cho lĩnh vực này không hấp dẫn như các lĩnh vực khác, việc chủ động thị trường cũng rất khó vì họ không bán cho người tiêu dùng mà bán cho doanh nghiệp nên rất cạnh tranh. Do vậy, Chính phủ phải có chương trình khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp này thì mới gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng doanh nghiệp được.

Chỉ có 300 doanh nghiệp CNHT tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - ảnh 2
 Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài cho biết, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, CNHT đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. Trong Quyết định của Thủ tướng đã ban hành về phát triển ngành công nghiệp thì dự kiến trong năm 2020 sẽ nâng CNHT của Việt Nam lên 45% và 2025 là 65% để đáp ứng cho yêu cầu sản xuất nội địa và xuất  khẩu cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giầy, điện tử.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ phát triển đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất CNHT. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 1 hiệp định và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Họ có thể vừa tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất hợp lý tại nước ta, vừa tận dụng lợi thế về thuế quan và mở cửa thị trường để dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính điều này lại mở rộng cánh cửa với những doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong ngành CNHT.