Chiến lược để Nippon Paint bứt khỏi ‘vỏ kén’ một tập đoàn sơn và chất phủ
Tại cuộc gặp, ông EE Soon Hean - Tổng Giám đốc Nippon Paint Việt Nam, và ông Đào Hữu Nghị - Giám đốc Marketing, cho biết công ty đang kỳ vọng sẽ nhanh chóng bứt phá và mở rộng kinh doanh vượt ngoài lĩnh vực sơn và chất phủ để tạo dấu ấn trong mảng giải pháp xây dựng giàu tiềm năng.
Để đạt được tham vọng trên, Nippon Paint Việt Nam đang đặt niềm tin vào 4 trụ cột, bao gồm phát triển phân khúc “Beyond Paint” (tức mở rộng hoạt động kinh doanh), ứng dụng công nghệ, sản xuất các sản phẩm xanh và bảo vệ sức khoẻ, và phát triển bền vững.
Xin chào hai ông! Nippon Paint được thành lập tại Tokyo vào năm 1881. Trải qua hơn 140 năm phát triển, Nippon Paint đã vươn mình trở thành nhà sản xuất sơn và chất phủ số một châu Á, hiện diện tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong những năm gần đây, Nippon Paint đã tiến hành nhiều thương vụ thâu tóm lớn cả ở ngành sơn/chất phủ cùng các ngành kinh doanh khác. Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển toàn cầu này của Nippon Paint hay không?
Ông EE Soon Hean: Nippon Paint là một tập đoàn hơn 140 năm tuổi, nhưng chúng tôi vẫn còn rất trẻ, trẻ về cách vận hành doanh nghiệp.
Với tâm thế là một “người trẻ” như vậy, chúng tôi mong muốn bứt phá hơn nữa, không giới hạn ở một khu vực địa lý hay mảng kinh doanh nhất định nào. Do đó, trong những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh các thương vụ mua lại.
Một trong những thoả thuận đáng chú ý đầu tiên là việc mua lại Dunn-Edwards của Mỹ vào năm 2017, giúp Nippon Paint đạt được chỗ đứng nhất định tại thị trường này.
Năm 2019, chúng tôi tiếp tục thâu tóm thêm DuluxGroup - tập đoàn sơn và hoá chất xây dựng hàng đầu tại Australia.
Cùng năm, chúng tôi mua lại Betek Boya - công ty sơn và chất phủ số một Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ này cho phép chúng tôi mở rộng với tốc độ nhanh hơn tại cả Bắc Phi và châu Âu.
Tiếp tục, năm 2021, Nippon Paint mua lại V-Tech - công ty sản xuất keo silicone, keo xây dựng hàng đầu ASEAN .
Trong năm 2022 này, chúng tôi tiếp tục thâu tóm Cromology - công ty sơn phủ lớn thứ 4 tại châu Âu, JUB của Slovenia và một số doanh nghiệp nhỏ hơn tại Trung Quốc.
Các thương vụ mua lại tại nhiều khu vực địa lý giúp chúng tôi gia tăng thị phần. Nippon Paint không chỉ muốn là tập đoàn sơn phủ lớn nhất châu Á, mà là trên phạm vi toàn cầu.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã tiến vào mảng Beyond Paint. Ngoài tham vọng trong ngành sơn và chất phủ, chúng tôi còn muốn cung cấp các giải pháp về xây dựng, trở thành nhà cung cấp giải pháp sơn phủ và xây dựng toàn diện.
Nippon Paint vốn đã có nền tảng vững mạnh tại các thị trường như Việt Nam, Trung Quốc và châu Âu, bao gồm chương trình sản xuất ổn định, nguồn nhân lực hiệu quả và bí quyết kinh doanh.
Nền tảng trên tạo điều kiện để chúng tôi dễ dàng bổ sung các dòng sản phẩm mới, gắn liền với hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Giờ đây, chúng tôi muốn tiến xa hơn và đó là lý do tại sao có các thương vụ mua lại tại nhiều khu vực. Chiến lược hiện tại là “cộng hưởng” và khuếch đại giá trị của Nippon Paint với những doanh nghiệp mà chúng tôi thâu tóm thời gian qua.
Nippon Paint đã đề cập nhiều lần đến phân khúc Beyond Paint. Vậy, đây cụ thể là gì và tập đoàn đã chuẩn bị như thế nào để tiến vào phân khúc này?
Ông EE Soon Hean: Tên gọi cụ thể của phân khúc này là SAF - sealants (keo trám), adhesives (keo kết dính/keo dán) và fillers (chất trám trét). Đây là các sản phẩm được sử dụng trong nhiều khâu của quá trình xây dựng công trình.
Để dễ hình dung, khi cải tạo hoặc xây dựng một căn nhà mới, bạn sẽ cần các sản phẩm nhôm và kính như cửa chính, cửa sổ,... sau đó là các sản phẩm tăng độ bám dính cho các chi tiết và chống thấm cho căn nhà. Khi đó, bạn sẽ cần rất nhiều SAF.
Nhận thấy nhu cầu đó của thị trường, Nippon Paint đã quyết định tham gia vào phân khúc SAF. Như đã nói, chúng tôi muốn trở thành một nhà cung cấp giải pháp sơn phủ và xây dựng toàn diện trên phạm vi thế giới.
Nhìn chung, SAF là một mảng giàu tiềm năng, chỉ riêng các sản phẩm keo trám có thể mang lại cho Nippon Paint khoảng 100 triệu USD doanh thu trong tương lai.
Để chuẩn bị, chúng tôi đã thực hiện các thương vụ mua lại như kể trên. Chẳng hạn, sau khi mua lại DuluxGroup vào năm 2019, chúng tôi đã trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu Selleys tại Việt Nam vào năm 2020.
Selleys là thương hiệu thân thuộc với người tiêu dùng tại Australia và New Zealand, được công nhận trong lĩnh vực SAF và doanh thu năm 2021 ước đạt 300 triệu USD.
Tiếp đến có Betek Boya của Thổ Nhĩ Kỳ, công ty có chuyên môn trong ngành công nghiệp resin - một loại nhựa tổng hợp được ứng dụng nhiều trong sơn và chất lót.
Ngoài ra chúng tôi còn mua lại V-tech của Malaysia - một trong những chuyên gia hàng đầu về SAF tại Đông Nam Á.
Sơn Nippon là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng Việt ưa chuộng từ những ngày đầu thâm nhập thị trường Việt Nam.
Với định hướng mở rộng sang mảng Beyond Paint, Nippon Paint Việt Nam có kế hoạch gì để giữ vững vị thế của mình trong ngành sơn và chất phủ?
Ông EE Soon Hean: Kể từ khi hiện diện tại Việt Nam vào năm 1989 với tư cách một công ty thương mại, Nippon Paint đã liên tục rót vốn vào thị trường này. Chúng tôi lần lượt xây ba nhà máy vào năm 1994, 2006 và 2014.
Các khoản đầu tư mà Nippon Paint đã rót vào Việt Nam cho thấy chúng tôi quan tâm và duy trì cam kết tại thị trường này. Đồng thời, chúng còn cho thấy chúng tôi lạc quan về tiềm năng của Việt Nam.
Chúng tôi đang cùng lúc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi và đầu tư vào phân khúc Beyond Paint, tận dụng các nguồn lực và cơ sở hạ tầng đã xây dựng trong 30 năm qua để đạt được mục tiêu đó.
Số hoá cũng là một trong các trụ cột mà Nippon Paint đang nỗ lực đẩy mạnh để giữ vững và tăng cường vị thế tại Việt Nam. Ngày nay, chúng ta không còn có thể tiếp cận khách hàng theo những cách truyền thống.
Và khi nhắc đến số hoá, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc tối đa hoá giá trị cho “stakeholders” (hay các đối tác). Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, tạo ra lợi ích cho cổ đông (shareholders) đều quan trọng. Nippon Paint cũng vậy, nhưng chúng tôi còn muốn đi xa hơn.
Tại Nippon Paint, khi một sản phẩm được bán ra, chúng tôi vừa có thể gọi đó là một thành phẩm vừa là một bán thành phẩm, vì khách hàng đầu cuối của chúng tôi vẫn cần một ai đó để ứng dụng sản phẩm vào công trình thực tế.
Ví dụ, khi xây dựng một căn nhà, bạn cần kiến trúc sư thiết kế căn nhà, cần nhà thầu xây dựng phần thô, cần thợ sơn sơn tường. Tất cả những người đã tham gia vào quá trình thi công căn nhà đều là stakeholders của Nippon Paint.
Do đó, chúng tôi đã dành ra 10 năm nghiên cứu và xây dựng một hệ thống sinh thái để kết nối và tạo lợi ích cho tất cả stakeholders.
Đến nay, chúng tôi đã ra mắt 4 ứng dụng gồm DiDiDi cho nhà thầu sơn (2016), My Nippon Paint cho đại lý (2019), Sơn Nippon cho người tiêu dùng (2020), và DnC cho công ty xây dựng và thiết kế (2022). Dữ liệu được liên kết giúp chúng tôi có thể cá nhân hóa chương trình hỗ trợ cho khách hàng.
Ông Đào Hữu Nghị: Trên thực tế, để tối đa hoá giá trị cho stakeholders, Nippon Paint không chỉ sử dụng các ứng dụng mà còn liên hệ với họ thông qua đội ngũ tổng đài hoặc gặp trực tiếp qua đội ngũ thị trường.
Nói cách khác, chúng tôi không chỉ thu thập thông tin từ môi trường trực tuyến mà còn ghi nhận phản hồi trực tiếp từ stakeholders để phát triển sản phẩm.
Nhìn xa hơn, việc kết hợp ứng dụng trực tuyến và trao đổi trực tiếp có thể giúp stakeholders tìm đến với chúng tôi và Nippon Paint cũng có thể nhận được đánh giá thực từ họ để hoàn thiện hệ sinh thái mà chúng tôi đã tạo ra.
Chẳng hạn, từ năm 2020, chúng tôi tiến hành tổ chức cuộc thi "Giải thưởng nhà đẹp" độc quyền trên ứng dụng "Sơn Nippon". Trong tương lai, chúng tôi dự định sẽ tổ chức các cuộc thi khác để kết nối hơn nữa với stakeholders.
Thông qua cuộc thi, chúng tôi hy vọng khách hàng sẽ cảm thấy “ngôi nhà đã trở thành mái ấm” của chính họ, giúp họ hài lòng về chất lượng và niềm vui mà sản phẩm của chúng tôi mang đến.
Vậy, trong gần ba năm đại dịch COVID-19 hoành hành, Nippon Paint có gặp khó khăn nào khi phổ biến các ứng dụng hay không? Liệu tập đoàn có đang cân nhắc đến các mạng xã hội phổ biến như TikTok để tiếp cận thêm đối tác?
Ông EE Soon Hean: Trong thời kỳ giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, duy trì kết nối với stakeholders đóng vai trò rất quan trọng và đây là lợi ích lớn mà 4 ứng dụng mang lại cho chúng tôi.
Nhờ có các ứng dụng trên với các chương trình livestream, chúng tôi có thể vẫn truyền tải thông điệp đến stakeholders và phát triển những dòng sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của thị trường.
Bởi vậy, trong hai năm gần đây, chúng tôi đã cho ra mắt một số dòng sản phẩm mới có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2.
Điều này đã gián tiếp giúp củng cố một trụ cột khác của chúng tôi là nghiên cứu và phát triển sản phẩm tập trung vào yếu tố an toàn và bảo vệ sức khỏe bằng các sản phẩm có tác dụng kháng vi khuẩn, virus như H1N1, H5N1, và virus bệnh tay chân miệng.
Mặt khác, chúng tôi cũng đang nỗ lực bắt kịp xu hướng người tiêu dùng và khách hàng trẻ tuổi với các mạng xã hội phổ biến như TikTok.
Chúng tôi nhận thấy nội dung trên nền tảng này có khả năng cung cấp thông tin nhanh gọn, dễ hiểu, vì vậy Nippon Paint có thể chia sẻ thông điệp và giới thiệu sản phẩm mới trên TikTok.
Hiện tại, TikTok là một mảng mà Nippon Paint đang định hướng đầu tư vào và tăng cường sự hiện diện, chẳng hạn như qua các đoạn quảng cáo ngắn.
Nippon Paint đặt mình vào vị trí tiên phong trong việc thúc đẩy các giới hạn công nghệ. Vậy, sau gần 30 năm có mặt tại Việt Nam, công nghệ của Nippon Paint đã “tiến hóa” như thế nào để đem đến dịch vụ toàn diện cho khách hàng?
Ông Đào Hữu Nghị: Năm 2010, tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã khai sinh ra hai dòng sơn Odour-less cho nội thất và WeatherGard cho ngoại thất.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng khái niệm “odour-less” nhằm giảm hàm lượng chất hữu cơ bay hơi (VOC) xuống mức thấp nhất có thể để bảo vệ không gian sống của khách hàng.
Tóm lại, Odour-less là một dòng sản phẩm quan trọng, giúp mở đường cho các khái niệm mới trong ngành sơn phủ như “sơn gần như không mùi’’, “thân thiện với môi trường”.
Có thể nói, công nghệ chính là kim chỉ nam để chúng tôi tiến lên từng ngày. Với định hướng liên tục cải tiến công nghệ, chúng tôi còn cho ra mắt các dòng sản phẩm khác an toàn và bảo vệ sức khỏe người dùng qua việc kháng vi khuẩn, virus như ông EE Soon Hean đã đề cập.
Một số thành công mới có thể kể đến như sơn VirusGuard và Odour-less chùi rửa vượt trội và kháng khuẩn, Spot-less Plus kháng vi khuẩn, virus, chống bám bẩn và dễ lau chùi.
Và tại mỗi thị trường, chúng tôi lại cung cấp các công nghệ phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng và định hướng thị trường.
Ngoài phát triển sản phẩm và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài như Nippon Paint có đang theo đuổi xu hướng ESG (Environmental, Social and Governance - môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) tại Việt Nam?
Ông EE Soon Hean: ESG là một chủ đề lớn, có những thách thức và cơ hội riêng. Đối với Nippon Paint, G là chữ cái đứng cuối cùng nhưng lại là thành phần quan trọng nhất.
G sẽ đóng vai trò dẫn đường cho những doanh nghiệp ngoại như Nippon Paint đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy phong trào ESG.
Từ khâu sản xuất, chúng tôi đã đề ra những tiêu chuẩn xanh như hàm lượng VOC cực thấp; không độc hại, không chứa APEO, chì, thuỷ ngân và kim loại nặng.
Các sản phẩm của Nippon Paint đang tuân thủ tiêu chuẩn Green Label của Singapore và GreenGuard của quốc tế.
Ngoài ra, chúng tôi còn nỗ lực kéo dài vòng đời của chất sơn, để qua đó giảm bớt lượng hóa chất và lớp phủ đến từng công trình.
Nippon Paint cũng đề cao trách nhiệm với cộng đồng và tham gia một số hoạt động để xây dựng Việt Nam tươi đẹp, chẳng hạn như trồng cây giúp giảm bớt carbon trong không khí, sơn sửa nhà cho các gia đình khó khăn, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo,...
Chúng ta đã nói về chiến lược hiện tại của Nippon Paint, giờ là lúc để nhìn về phía trước. Trong tương lai, định hướng của tập đoàn là gì và liệu Nippon Paint đã chuẩn bị gì cho những cơn gió ngược kinh tế trên toàn cầu trong năm nay?
Ông EE Soon Hean: Như đã nói, chúng tôi đang nhắm đến vị trí số một thế giới. Do đó, Nippon Paint dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện thêm các thương vụ mua lại trên toàn cầu trong tương lai.
Đồng thời, tại Nippon Paint và các công ty mà chúng tôi mới thâu tóm, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp nguồn lực và nguồn vốn để thúc đẩy giới hạn công nghệ, tạo ra những dòng sản phẩm mới với đích đến là trở thành một nhà cung cấp giải pháp sơn phủ và xây dựng toàn diện toàn diện.
Liên quan đến triển vọng kinh tế có phần khó khăn trong năm 2023, chúng tôi cho rằng hiểu được khó khăn, thách thức và cơ hội của stakeholders sẽ là chìa khóa để thành công.
Xưa nay, hiểu rõ bối cảnh thị trường trong thời kỳ khủng hoảng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, không ngoại trừ Nippon Paint.
Ở giai đoạn kinh tế ổn định, ngay cả các công ty nhỏ hơn cũng có thể giành được một phần miếng bánh thị phần.
Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế suy yếu, các công ty có nền tảng mạnh mẽ sẽ sống sót và vượt trội so với các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đương đầu thách thức.
Với nền tảng và cơ sở hạ tầng mà chúng tôi đã xây dựng nhiều năm qua - cùng trọng tâm tối đa hoá giá trị của stakeholders trong giai đoạn khủng hoảng, chúng tôi tin rằng mình có tiềm năng vượt qua suy thoái kinh tế.
Các đối thủ có thể làm điều tương tự trong khủng hoảng hay không, có. Nhưng liệu chúng tôi có thể làm tốt hơn hay không? Đáp án là có. Suy cho cùng, công ty nào vững vàng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong khủng hoảng.
Xin cảm ơn hai ông về những chia sẻ hôm nay!