Chuyển đối số thực chất là một cuộc cách mạng toàn diện dể quan hệ sản xuất tiến kịp với lực lượng sản xuất số
Đây chính là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, và để xây dựng thành công kỷ nguyên này, chúng ta cần dựa vào khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tận dụng hết tiềm năng của các công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia và đưa Việt Nam tiến xa hơn trong hội nhập quốc tế.
Chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ, mà thực chất là một cuộc cách mạng toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ sản xuất tiến kịp với lực lượng sản xuất số. Để thực hiện được điều này, không chỉ cần sự đồng hành từ phía chính phủ, mà còn cần sự chủ động và sáng tạo từ cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nhân tư nhân là những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, vai trò của VPBA - Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - càng trở nên quan trọng. Hội đã và đang kết nối, hỗ trợ và định hướng cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính phủ, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trách nhiệm của chúng ta - những doanh nhân Việt Nam - không chỉ dừng lại ở việc xây dựng doanh nghiệp thành công. Chúng ta còn có sứ mệnh với dân tộc và đất nước. Để kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được thực hiện thành công, các doanh nghiệp phải là những người dẫn đầu trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tham gia vào việc xây dựng hệ thống kinh tế bền vững, gắn liền với sự phát triển xã hội.
Để doanh nghiệp tư nhân phát huy hết tiềm năng và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, tôi xin có 06 kiến nghị gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các cấp lãnh đạo:
Hỗ trợ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số: Cần có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nắm bắt cơ hội và thích nghi với công nghệ mới;
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Để đáp ứng yêu cầu của lực lượng sản xuất số, cần có chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo, và quản lý công nghệ, từ đó tạo ra một lực lượng lao động có đủ năng lực để tham gia vào công cuộc đổi mới;
Đổi mới thể chế để phù hợp với nền kinh tế số: Các cải cách thể chế và pháp luật cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh;
Hỗ trợ tài chính và hợp tác công nghệ: Tăng cường tiếp cận vốn và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong các dự án đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ;
Tin tưởng và giao nhiều trọng trách hơn cho Doanh nghiệp tư nhân: để Doanh nghiệp doanh nhân tư nhân gánh vác trách nhiệm cùng xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó bao gồm cả việc giao các dự án trọng điểm quốc gia cũng như tham gia cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ trọng điểm trọng yếu quốc gia;
Khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế, doanh nghiệp cần có trách nhiệm gắn kết với cộng đồng, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, và xây dựng xã hội bền vững.
Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong kỷ nguyên số và chuyển đổi công nghệ. Vai trò tiên phong của doanh nhân trong việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là yếu tố quyết định để dân tộc Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong tương lai.
Chúng ta tin tưởng rằng với sự dẫn dắt của các doanh nhân tài năng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển, hòa nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nguyễn Trung Chính
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC