Chính phủ cần vận dụng linh hoạt chính sách cho doanh nghiệp phát triển cùng dịch COVID-19
Sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh phải nhận thức rõ tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch. Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, chúng ta sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, nhanh chóng thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng; hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.
Đặc biệt, ngày 8/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thừa nhận rất khó để xóa bỏ dịch COVID-19, virus đã thâm nhập sâu trong cộng đồng và sẽ tồn tại lâu dài. Như vậy, WHO đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Do đó, việc thay đổi chiến lược sang sống chung an toàn với COVID-19 là bước chuyển mình đúng đắn, uyển chuyển và rất kịp thời.
Chuyên gia kinh tế, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 và thực sự bắt đầu lan tới Việt Nam từ đầu năm 2020 với những ảnh hưởng khủng khiếp tới nền kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2021 và quý I, quý II/năm 2021, Việt Nam là một điểm sáng của thế giới trong việc khống chế tình hình dịch bệnh và giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, trở thành tấm gương cho nhiều Quốc Gia học hỏi. Với việc "giữ vững thành trì" trong 1,5 năm đầu của đại dịch, Việt Nam đã đạt được những thành tích khiến thế giới khâm phục, và có ảnh hưởng rất lớn cho những nỗ lực ở giai đoạn hiện nay và về sau.
Có thể nói, trong giai đoạn 1,5 năm đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam vừa chủ động thích ứng với sự đi xuống của nền kinh tế thế giới, vừa kịp hãm phanh để bắt nhịp với nhịp độ dao động chậm lại của nền kinh tế thế giới trong đại dịch để tránh bị sốc, và tích lũy được một phần nhỏ nhằm sống sót ở giai đoạn sau.
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2021, khi xuất hiện biến chủng mới Delta, bắt đầu từ một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… Sau đó bùng nổ tại địa bàn Miền Nam, mà nặng nề nhất là Trung tâm kinh tế Đông Nam Bộ, thì có thể nói nền kinh tế đất nước thực sự chịu tổn thương nặng nề.
“Toàn bộ hoạt động sản xuất, cung ứng, phân phối và tiêu dùng bị gián đoạn với sự đứt gãy xảy ra ở nhiều khâu; đời sống của người lao động chịu ảnh hưởng nặng cả ở những nhu cầu căn bản nhất. Nguồn tiền nhàn rỗi trong dân tương đối lớn nên bơm mạnh vào thị trường chứng khoán, tạo ra một ảo giác về bức tranh của nền kinh tế”, Luật sư Hà Huy Phong cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Phong, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương nặng nề sau các đợt dịch bùng phát. Nếu 1,5 năm trước, nền kinh tế Việt Nam chỉ bị gián đoạn liên lạc với nền kinh tế thế giới nên phần tổn thương chưa nghiêm trọng, nhưng với lần bùng phát này chúng ta đã thực sự bị nội thương dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Những dấu hiệu tổn thương xuất hiện ở cả thị trường lao động, khâu sản xuất, phân phối và lưu thông của nền kinh tế.
Nếu như trong quý III và quý IV năm 2021 này, Việt Nam làm chủ được tình hình, khống chế được dịch theo cách sống chung với dịch, thì nền kinh tế có thể tránh được tình trạng tổn thương sâu hơn và cơ hội để phục hồi, phát triển. Tất nhiên, để có thể làm được điều đó, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, Chính phủ cần vận dụng linh hoạt chính sách tài khóa để miễn, giảm, giãn các nghĩa vụ cho doanh nghiệp với Nhà nước, như tiền sử dụng đất, thuế, bảo hiểm xã hội… giúp doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư vào sản xuất và trang trải chế độ cho người lao động.
“Sự thật thì ngân sách Nhà nước cũng đang hết sức eo hẹp do giảm thu nhưng lại phải tăng chi đột biến do công tác phòng chống dịch. Bộ Tài chính sẽ phải cân đối và đưa ra một số nhóm ưu tiên theo ngành nghề hoặc theo lĩnh vực. Tôi cho rằng, lĩnh vực sản xuất và các đơn vị sử dụng nhiều lao động; kinh tế nông nghiệp và chế biến nông sản; nhóm về logistics như vận tải hàng hóa và cảng biển cần đặt ưu tiên cao trong việc hoạch định các nhóm nhận được hỗ trợ”, Luật sư Hà Huy Phong nói.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp hạt nhân để lan tỏa sự phát triển ra các khu vực khác của nền kinh tế. Trong lúc này, đầu tư công phải là hoạt động đi đầu trong các hoạt động đầu tư của nền kinh tế.
Mặc khác, Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng có những chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, giảm lãi, tạm thời khóa các nguy cơ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán để tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của doanh nghiệp và của chính hệ thống các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng cần mạnh dạn bơm thêm vốn vào thị trường và doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi, cũng như cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cho người lao động.
Hiện nay, nguồn tiền nhàn rỗi đang được bơm khá mạnh vào thị trường chứng khoán và nằm trong các tài khoản của nhà đầu tư, nên Nhà nước cần có biện pháp để định hướng nguồn vốn đó trở lại thị trường sản xuất và đầu tư trung hạn, dài hạn.
Cũng theo Luật sư Hà Huy Phong, Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ các ách tắc và rào cản đối với lĩnh vực vận tải. Thực tiễn thời gian qua, nhiều địa phương cố tình đưa ra các biện pháp quá chặt nên gây tắc nghẽn trong khâu lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng dây chuyền tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Lưu thông hàng hóa như dòng chảy bên trong mạch máu của nền kinh tế và nếu hoạt động này đình trệ, thì mọi biện pháp khác của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.
Trong một diễn biến khác, theo nhiều chuyên gia, ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi do dịch bệnh.