Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị để ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển
Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành mũi nhọn xuất khẩu
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp chỉ rõ: 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính ước đạt trên 5 tỷ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD. Ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD trong năm nay, một mục tiêu được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Hiện gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhấn mạnh thành quả này của ngành lâm nghiệp, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành nông nghiệp đóng góp gần 16% vào GDP thì xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm đến 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt gần 8 tỷ USD trong năm qua.
Mức độ tăng trưởng bình quân của ngành gỗ qua 18 năm qua đạt 15% mỗi năm, cao hơn 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đặc biệt, chúng ta có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động trong toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động. Dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Trước những thành tựu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.
Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Tức là, con số mà Thủ tướng đưa ra cao hơn con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra, để sự đóng góp của ngành gỗ cao hơn, nhiều hơn. Và những con số này không phải viển vông mà theo Thủ tướng, “tôi đã nghe ý kiến của các doanh nhân, các hiệp hội, các địa phương, đều có nguyện vọng phát triển như thế”.
Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho ngành chế biến gỗ, lâm sản
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành lâm nghiệp cần khắc phục một số tồn tại, bất cập khi mà dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn.
Bên cạnh đó, công nghệ trồng rừng, chế biến và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm còn mang tính thủ công, năng suất thấp. Đặc biệt việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu. Chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
“Chúng ta còn nhiều trăn trở khi nhiều mặt hàng hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh bất cập về thực thi pháp luật về lâm sản, Thủ tướng tái khẳng định chủ trương: Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng làm cây công nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu
Thủ tướng khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do… là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới.
Tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Cho rằng vai trò của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra.
"Có một vấn đề chúng ta rất quan tâm là thương hiệu. Những mục tiêu trên sẽ không đạt được nếu không có thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị hôm nay, sẽ ban hành chỉ thị để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững./.