Chính phủ tạo động lực mới cho đầu tư công

10:04 | 31/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để thúc đầy đầu tư công hiệu quả, trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các ngành, địa phương để tạo đột phá cho đầu tư công.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân đạt gần 99.000 tỉ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng này được đánh giá là cao nhất giai đoạn 2017-2021, nhưng so với kế hoạch năm còn khá thấp.

 Theo Kho bạc Nhà nước, quý 1.2021 giải ngân còn thấp bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và chủ yếu các đơn vị tập trung thực hiện giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công cũng đang nằm ở nguồn ODA, khi hết 4 tháng, tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 2%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1.2021 đạt 4,48% nên ước tính để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở quý II, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt được 7,19%.

Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và lan rộng ở nhiều tỉnh, thành. World Bank nhận định, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ.

Qua các cuộc làm việc gần đây với các địa phương, Thủ tướng nhận thấy “có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, cộng với thủ tục rườm rà, không phân cấp mạnh, kỷ luật chưa nghiêm, cho nên giải ngân chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao”.

“Do đó, phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án. Đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần lưu ý, vấn đề "tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương" là căn bệnh trầm kha của kinh tế Việt Nam từ nhiều chục năm đổi mới.

Trong giai đoạn gần đây, xử lý vấn đề này đều là một trong những trọng tâm hoạt động của Chính phủ các nhiệm kỳ. Và thực sự việc xử lý đã có hiệu quả. Tuy nhiên, việc xử lý sức ỳ cơ chế và rủi ro đầu tư công là hoạt động thường kỳ, thường xuyên của Chính phủ, nếu như việc xử lý vấn đề ấy luôn trong trạng thái chạy đuổi theo thực tế, thì có nghĩa hoạt động ấy đang cần gia tăng hiệu quả hơn nữa. Để rút ngắn thời gian sửa chữa chính sách, và tạo được đột phá về cơ chế, giải phóng tiềm năng đầu tư công trong tư cách nguồn vốn dẫn dắt phát triển. 

Do đó, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lặp lại yêu cầu phân cấp tối đa về đầu tư công; các cơ quan quản lý tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan lập các đoàn kiểm tra, giám sát; các bộ, cơ quan, địa phương nào không thực hiện đúng chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 3 đột phá chiến lược thì kiên quyết dừng dự án, nếu có vi phạm thì xử lý, kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

Chính phủ tạo động lực mới cho đầu tư công - ảnh 1

 

Ngày 23/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết qua rà soát trong những ngày qua, từ 6.447 dự án dự kiến trước đó (đã giảm mạnh so với 11.000 dự án của giai đoạn 2016-2020), các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cắt giảm còn khoảng 5.397 dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát và số dự án có thể giảm còn khoảng 5.000.

Trong đó, có trên 70% tổng vốn đầu tư công trung hạn được ưu tiên đầu tư vào ngành, lĩnh vực quan trọng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Nhiều chuyên gia nhận định nguồn vốn khổng lồ này sẽ tạo ra cú hích cho phát triển hạ tầng giao thông.

 “Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ.

Như vậy, theo dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 vừa được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ, sẽ có 2.880 dự án chuyển tiếp, 3.304 dự án khởi công mới trong 5 năm. Con số này giảm hơn một nửa so với số dự án đầu tư công đã được đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng việc tăng gấp rưỡi vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu khu vực FDI chịu ảnh hưởng thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng.

Năm 2020, cứ giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP cũng tăng thêm 0,06% so với năm trước. Nên việc tăng 0,87 triệu tỉ đồng vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm.

Trọng Trí

Xem thêm 

Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công