Chính thức khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 12-15/11/2020 theo hình thức trực tuyến.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì các Hội nghị cấp cao bao gồm: Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/11.
Ngoài ra còn một số hội nghị quan trọng khác bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì các Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2.
Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có phát biểu chào mừng Hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN.
Chiều 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thị sát, kiểm tra việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan tại Trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính:
Một là, về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua khó khăn, thách thức.
Hai là, việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN.
Ba là, kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi.
Thứ tư, trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang triển khai tích cực, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Về tác nghiệp của phóng viên tại hội nghị, Phòng báo chí của Hội nghị Trung tâm Hội nghị quốc tế sẽ mở từ ngày 9-15/11, với số lượng đáp ứng khoảng 200 phóng viên.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan tại Trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội cũng sẽ được triển khai trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc… qua cầu truyền hình ở mỗi nước. Hình ảnh về các các hội nghị sẽ được cung cấp miễn phí cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Đặc biệt là chiều 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại phòng họp báo.
Thông qua ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện, một số chỉ số và số liệu về kinh tế của khối
Đây là Hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm, trong cả công tác hoạt động nội khối cũng như các hợp tác với các đối tác, đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN. Hơn nữa, hội nghị này diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội.
Trong khi các nỗ lực mở cửa trở lại, từng bước phục hồi của các quốc gia còn gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, là diễn biến phức tạp của môi trường chiến lược khu vực toàn cầu, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực.
Hội nghị là dịp quan trọng để lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết, quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN, cũng như định hướng phát triển phù hợp với ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan là chuỗi Hội nghị đỉnh cao của năm, một trong những hoạt động quan trọng nhất nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, bao gồm: Cấp cao ASEAN 37, 7 Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Liên hợp quốc; Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Cấp cao của các Nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Cấp cao Mê Công - Nhật Bản, Mê Công – Hàn Quốc; Cấp cao hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 và Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) lần thứ 11.
Ngoài ra, các hoạt động bên lề gồm có Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên của các Nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) và Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC).
Tại phiên bế mạc, Việt Nam sẽ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu quan trọng. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về nội dung, công tác chuẩn bị kỹ thuật cũng đã được chuẩn bị tốt nhất. Những ngày qua, các hội nghị cấp Bộ trưởng cũng đã triển khai thuận lợi.
Đối với nội dung các sự kiện, nhấn mạnh vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các kịch bản và nội dung phải có chất lượng cao, đưa ra thảo luận toàn diện các vấn đề mà khu vực ASEAN quan tâm, qua đó thúc đẩy hợp tác, đoàn kết trong ASEAN, trong đó có việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh COVID-19; nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức…
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 công bố, tính đến quý II/2020, ASEAN đã thực hiện được 84% tổng số biện pháp đề ra. Thể hiện quyết tâm tăng cường thực hiện KHTT, các Bộ trưởng đã thông qua 12 khuyến nghị nhằm giúp ASEAN đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn còn lại (2021-2025) trước tình hình thế giới khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường.
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng cũng sẽ cùng nhau rà soát tình hình thực hiện các ưu tiên/sáng kiến trong trụ cột kinh tế do Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo đó, 7 trên 13 ưu tiên đã được hoàn thành, bao gồm: Xây dựng Chỉ số hội nhập số ASEAN; Tăng cường thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng AEC 2025;
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc… qua cầu truyền hình ở mỗi nước
Thúc đẩy tài chính bền vững ASEAN; kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo; thông qua bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi Khung chính sách thanh toán ASEAN cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới; thiết lập hệ thống thông tin thống kê đồng bộ và thống nhất về phát triển bền vững của ASEAN; xây dựng Khung an ninh lương thực chung của ASEAN và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, 6 sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam thúc đẩy triển khai để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với khu vực ASEAN do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến những khó khăn trong sản xuất, thương mại và đầu tư trong toàn khu vực. Vì vậy, tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng điểm lại những đề xuất, sáng kiến trong kênh kinh tế nhằm duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi nền kinh tế do ASEAN và các nước đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhóm nước ASEAN +3 thông qua.
ASEAN mong sớm hoàn tất ký kết RCEP
Trước đó, trong các ngày 10-11/11/2020, diễn ra các Hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 28 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 22. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trù bị.
Tại hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN các bộ trưởng đã thống nhất sẽ báo cáo các kết quả đó để các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét và cân nhắc về các định hướng mới cho khu vực. Các nước ASEAN rất trông đợi kết thúc hoàn toàn và ký kết Hiệp định RCEP. Cùng với đó, các sáng kiến khác của Việt Nam liên quan đến rào cản thuế quan, thương mại điện tử cũng được các nước chào đón và thông qua tại hội nghị lần này.
Vấn đề hàng rào phi thuế
Vấn đề là hàng rào phi thuế trong nội khối và đặc biệt ảnh hưởng to lớn của nó trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.Vì vậy ý tưởng đầu tiên mà Việt Nam đưa ra hồi tháng 3 năm nay là hợp tác chặt chẽ ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh phát sinh, được các nước ASEAN ủng hộ.
Các nước ASEAN đã thống nhất và trong ngày 10/11 đã diễn ra Lễ ký thông qua Biên bản ghi nhớ và danh mục các mặt hàng thiết yếu liên quan đến vấn đề xử lý dịch bệnh trong thời gian tới. Nếu có các biện pháp phi thuế phát sinh gây ảnh hưởng đến các nước khác liên quan đến danh mục các mặt hàng này, các nước thống nhất với nhau để có cơ chế hợp tác, xử lý nhanh nhất các vướng mắc đó.
Việc đưa ra sáng kiến, thực hiện và đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hôm nay không những giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn mà còn giúp đặt ra khuôn khổ mới để ASEAN sau này có thể đẩy mạnh và áp dụng ở quy mô rộng hơn. Bên cạnh đó sẽ xử lý cụ thể các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hội nhập nội khối cũng như vướng mắc khi dịch bệnh gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Do thời gian ngắn, các bộ trưởng đã thống nhất chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhất, không giới hạn số lượng mặt hàng, sắp tới các cấp chuyên môn và sẽ tiếp tục thảo luận để mở rộng danh mục này với những mặt hàng chưa thiết yếu nhưng cũng có tầm quan trọng với các nước.
Vì thế, danh mục ban đầu bao gồm trên 150 dòng thuế. Cụ thể là dược phẩm, các thiết bị y tế. Tới đây các nước ASEAN sẽ tập trung thêm mặt hàng lương thực, thực phẩm vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các nước ASEAN trong quá trình chống chọi với dịch bệnh COVID-19.
Một trong những kết quả đạt được tại hội nghị lần này là việc ký kết bản ghi nhớ về hàng rào phi thuế quan nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi. Đặc biệt, tại hội nghị cũng đề cập nhiều nội dung khác đã được nhắc đến trước đó, chẳng hạn như sáng kiến cụ thể để thúc đẩy các nền kinh tế trong ASEAN chuyển đổi và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 10/11, các bộ trưởng kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về Thực thi Các biện pháp Phi Thuế quan về Hàng hóa Thiết yếu trong cuộc họp hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore (Xin-ga-po) Chan Chun Sing cho biết biên bản ghi nhớ này đã thể hiện những cam kết chung của các nước thành viên ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại trong khu vực đối với các hàng hóa thiết yếu cần phải có trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19. Theo ông Chan Chun Sing, MOU này đã là một phần trong kế hoạch hành động của ASEAN nhằm tăng cường và củng cố sự hợp tác kinh tế và sự kết nối chuỗi giá trị.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng cho biết các bộ trưởng ASEAN trong cuộc họp này cũng đã thảo luận và thông qua Bộ khung Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) nhằm tái khẳng định cam kết cùng phối hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với khu vực do COVID-19 gây ra, trong bối cảnh các nước từng bước dần dần mở cửa trở lại nền kinh tế. ACRF sẽ được trình lên lãnh đạo các nước ASEAN để thông qua trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.
Ngoài ACRF, báo cáo Hội đồng AEC cũng đã được các bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua để đệ trình lên lãnh đạo các nước ASEAN. Báo cáo này đã nhấn mạnh những nỗ lực của ASEAN trong việc cải thiện kết nối thương mại và kỹ thuật số hóa trong khu vực, bao gồm việc thực hiện Kế hoạch Tự Chứng nhận toàn ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong khu vực.
Cũng theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, trong cuộc họp, các bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN cũng thảo luận về báo cáo sơ bộ đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch chi tiết AEC 2025.
Trong tuần này, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến xây dựng hợp tác nội khối, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như kiểm soát đại dịch COVID-19 và đối phó với hậu quả, tác động do đại dịch này gây ra.
Vào ngày 15/11, Hội nghị Thượng đỉnh các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 4 cũng sẽ diễn ra và dự kiến hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này được ký kết tại hội nghị.
Hải Yến