Chuyên gia BIDV: Trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 6,5-7%

Trang Mai 07:31 | 15/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đây là kịch bản tích cực nhất, chiếm 20% xác suất, đòi hỏi đàm phán với Mỹ đạt kết quả rất tích cực, đồng thời khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới bù đắp sự sụt giảm của các động lực truyền thống và do rủi ro thuế quan.

Kinh tế quý I có nhiều điểm sáng, nhưng rủi ro cũng hiện hữu‏

‏Theo ‏‏Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, ‏‏kinh tế thế giới trong quý I tiếp tục phục hồi chậm, do nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, đặc biệt chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ D.Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với hành động đáp trả của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam. ‏

‏Lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm nhẹ cùng với đà phục hồi kinh tế đang chậm lại khiến NHTW nhiều nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức; đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, lãi suất giảm chậm hơn so với dự kiến, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại; rủi ro an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…‏

‏Theo đó, đa số các tổ chức quốc tế gần đây đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025-2026 giảm 0,7-1 điểm %, từ mức dự báo tăng trưởng 2,7% xuống còn 1,7-2% năm 2025-2026, trong khi lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn dự báo, xoay quanh 2,5-3%, chưa thể sớm về mức mục tiêu 2%.‏

‏Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam trong quý I vẫn có 5 điểm sáng: ‏

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đẩy mạnh đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp; chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô‏

‏Về đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy và địa giới hành chính,‏‏ các ban, bộ, ngành trung ương cơ bản đã hoàn thành sáp nhập, tiếp tục tinh gọn và đi vào hoạt động từ ngày 1/3; kế hoạch điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp đã và đang tích cực triển khai (dự kiến hoàn thành cấp xã trước ngày 30/6/2025 và cấp tình, thành phố trước 30/8/2025). Trongquý I, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua 4 Luật, 42 Nghị định, 50 Nghị quyết, 456 quyết định và 10 chỉ thị về phát triển KT-XH (trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên, kiểm soát lạm phát (CPI bình quân) ở mức 4,5-5% năm 2025, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các cơ chế, chính sách đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân…‏

‏Điểm nhấn là ‏‏ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ và hội nhập kinh tế quốc tế,‏‏ Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ; giảm thuế nhập khẩu đối với 23 nhóm hàng nhập khẩu, trong đó nhiều mặt hàng có thuế suất 0% ‏‏(Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025)‏‏; tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ; gặp gỡ, làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ để đàm phán giảm mức thuế đối ứng với Việt Nam (‏‏đang dự kiến ở mức 46%)‏‏, thành lập Tổ công tác đàm phán; chỉ đạo tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa, đa dạng hóa, tăng năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế và doanh nghiệp…‏

‏Về chính sách tài khóa - tiền tệ‏‏,‏‏ chính sách tài khóa ‏‏(CSTK) tiếp tục mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục chính sách giãn, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2025 (dự kiến trình các cấp cho phép tiếp tục chính sách này đến hết năm 2026). ‏‏Chính sách tiền tệ‏‏ (CSTT) điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa (CSTK) theo hướng thúc đẩy tăng trưởng song vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và chất lượng đầu tư, chất lượng tín dụng...‏

Cùng đó, tăng trưởng GDP quý I cao nhất trong vòng 6 năm nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch theo Nghị quyết 01/NQ-CP; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm: ‏‏tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong vòng 6 năm nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, các động lực về cả phía cung và cầu đều đạt kết quả khả quan nhưng có dấu hiệu chậm lại.‏

‏Về phía cung, ‏‏động lực tăng trưởng chính là lĩnh vực ‏‏công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ (lần lượt tăng 9,28% và 7,7%), ‏‏đóng góp‏‏ 82,2%‏‏ ‏‏vào mức tăng trưởng chung, cùng với đó,‏‏ ‏‏nông nghiệp phục hồi khá (tăng 3,74%, cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 7 năm), đóng góp ‏‏0,43 điểm‏‏ % ‏‏(6,24%)‏‏ vào mức tăng trưởng chung, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, kiềm chế lạm phát, vừa góp phần tăng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản (đạt 15,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ).‏

‏Về phía cầu‏‏, động lực tăng trưởng chính là ‏‏tiêu dùng cuối cùng‏‏ tăng ‏‏7,45%‏‏ so với cùng kỳ, đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP ‏‏(68,9%),‏‏ ‏‏là mức tăng trưởng và đóng góp cao nhất trong vòng trong vòng 8 năm; ‏‏đầu tư (tích lũy tài sản)‏‏ tăng ‏‏7,24%‏‏, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm, đóng góp ‏‏37,6%‏‏ ‏‏vào tăng trưởng GDP, trong khi xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ tăng ‏‏9,71%,‏‏ đóng góp ‏‏6,46%‏‏ vào mức tăng trưởng chung.‏

‏Trong đó,‏‏ xuất nhập khẩu hàng hóa quý I ‏‏đạt 202,52 tỷ USD, tăng ‏‏13,7%‏‏ so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD. ‏‏Xuất nhập khẩu dịch vụ‏‏ đạt 16,8 tỷ USD, ‏‏tăng 22,9%,‏‏ cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt 1,64 tỷ USD, khiến xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt ‏‏1,52 tỷ USD‏‏.‏

‏Thu hút và giải ngân FDI tăng tích cực,‏‏ với vốn FDI đăng ký đạt ‏‏10,98‏‏ tỷ USD, tăng mạnh ‏‏34,7%‏‏ so với cùng kỳ; vốn FDI giải ngân ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng ‏‏ 7,2%‏‏ - là mức giải ngân cao nhất trong 7 năm. Cùng với đó, ‏‏đầu tư tư nhân phục hồi‏‏, tăng ‏5,5% cao hơn mức tăng‏‏ ‏4,8%cùng kỳ năm 2024, nhưng thấp hơn nhiều so với trước dịch (tăng 13,6%). ‏‏Giải ngân đầu tư công‏‏ đạt 13,5% kế hoạch năm và tăng ‏‏19,8%‏‏ so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2024 bằng 12,5% kế hoạch năm và tăng 3,6%).‏

‏Tiêu dùng tiếp tục phục hồi, du lịch tăng mạnh‏‏, ‏‏với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I ‏‏tăng danh nghĩa 9,9%, tăng thực‏‏ ‏‏7,5% ‏‏(nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân phục hồi). Việt Nam đã đón ‏‏6,02 triệu‏‏ lượt khách quốc tế, ‏‏tăng 29,6%‏‏ so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa ước đạt ‏‏35,5 triệu lượt, tăng 1,6%‏‏; tổng thu du lịch (gồm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống) ước đạt 221,6 nghìn tỷ đồng, tăng ‏‏17,3%‏‏ so với cùng kỳ năm 2024.‏

Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt: ‏‏chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng ‏‏3,22%, lạm phát cơ bản‏‏ bình quân tăng ‏‏3,01%‏‏ so với cùng kỳ năm 2024, thấp hơn mức tăng của lạm phát tổng thể (3,22%) chủ yếu là do hiệu ứng tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá điện, tiền lương, dịch vụ y tế và giáo dục…) và áp lực cầu kéo (tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 ước đạt 3,5%, cao hơn nhiều mức 1,42% củaquý I/2024, giải ngân đầu tư công và tư đều tăng tích cực như nêu trên); trong đó 6 nhóm hàng hóa: thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa dịch vụ khác, nhà ở và VLXD, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất (2,2-14,4% so với cùng kỳ) và đóng góp ‏‏94%‏‏ vào mức tăng CPI chung.‏

Đồng thời, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tín dụng khả quan, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát: ‏‏lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và khoản vay cũ bằng VND ở mức 6,7-9%/năm, giảm nhẹ so với cuối năm 2024, chủ yếu là do các TCTD đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, NHNN và kích cầu tín dụng. Tín dụng ước tăng ‏‏3,5% ‏‏so với cuối năm 2024 nhờ sự khởi sắc của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng và thị trường bất động sản (BĐS). Tỷ‏‏ ‏‏giá liên ngân hàng tăng khoảng ‏‏2,1%‏‏, chủ yếu là do NHNN chủ động điều chỉnh tăng giá bán ngoại tệ, chấp nhận một mức biến động mạnh hơn của tỷ giá trong khi vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ‏‏tỷ giá tăng vẫn trong tầm kiểm soát‏‏ nhờ nguồn cung ngoại tệ ổn định từ thu hút FDI, du lịch quốc tế và thặng dư thương mại, và đồng USD trong xu hướng giảm giá.‏

‏Cuối cùng, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khá cùng với đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và xuất – nhập khẩu (XNK): ‏‏thu NSNN‏‏ ước đạt ‏‏36,7%‏‏ dự toán năm, ‏‏tăng 29,3% ‏‏so với cùng kỳ năm 2024 nhờ đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và XNK cũng như việc đa dạng hóa nguồn thu, tạo dư địa cho thực thi CSTK mở rộng và phục vụ công tác cải cách tiền lương, tinh gọn tổ chức - bộ máy đang tiến hành. Tuy nhiên, cần lưu ý là ‏‏chi NSNN‏‏ chỉ bằng 16,8% ‏‏dự toán năm, ‏‏tăng 11,6% ‏‏so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu là do chi đầu tư phát triển mới đạt 78,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm, giảm 2,5% so với cùng kỳ (chủ yếu do đầu tư công đã cải thiện song còn chậm và không đồng đều).‏

‏Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối diện với 5 rủi ro, thách thức, bao gồm:‏

‏Một là‏‏, rủi ro, thách thức từ bên ngoài gia tăng, đáng kể nhất là rủi ro địa chính trị, nhất là chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng (đặc biệt việc áp thuế đối ứng của Mỹ và sự đáp trả của các nước) khiến giá cả hàng hóa tăng cao, lạm phát, lãi suất có thể giảm chậm hơn so với dự kiến, từ đó tạo áp lực đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.

 ‏Mức thuế đối ứng dự kiến 46% mà Mỹ dự kiến áp cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đang là trở ngại lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: Reuters. ‏

Hai là‏‏, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn thấp hơn so với trước dịch và chưa bền vững.

Ba là‏‏, nợ xấu tăng và còn nhiều thách thức trong xử lý.‏ ‏ 

‏Bốn là‏‏, hoạt động doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn: Trong quý I/2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 15,1% và số doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 23% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 78,8 nghìn, cao hơn 1,08 lần lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường (72,9 nghìn), dù chưa nói lên xu hướng nhưng là điểm cần lưu ý.‏

‏Năm là‏‏, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm và thị trường bất động sản còn thiếu bền vững; những vướng mắc về định giá đất, đấu giá đất, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ dự án, phát triển nhà ở xã hội…vẫn chậm xử lý và chưa dứt điểm.‏

3 kịch bản cho tăng trưởng GDP 2025‏

‏Từ các luận điểm trên, nhóm phân tích cho rằng, thuế quan của Mỹ và các rủi ro, bất ổn có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp (1,8-2% năm 2025-2026), kinh tế của Việt Nam dự báo chịu ảnh hưởng khá tiêu cực trong năm 2025 và 1-2 năm tới.‏

‏Nhóm Nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2025 theo 3 kịch bản.‏

‏Với kịch bản cơ sở‏‏ (xác suất 60%): Nếu khả năng đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng đạt kết quả khả quan, giả định phấn đấu đạt được mức 20-25% (giảm mạnh từ mức dự kiến 46% hiện nay, hoặc thấp hơn theo từng ngành hàng cụ thể); các doanh nghiệp, ngành hàng chủ động thích ứng, tận dụng tốt cơ hội của các FTA hiện có, đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng GDP quý III và IV duy trì tương đương quý II/2025 (ở mức 6,7-7%), theo đó dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 có thể đạt mức 6,5-7%.‏

‏Với kịch bản tích cực nhất ‏(phấn đấu, xác suất 20%): Tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8% (giảm 0,5% so với kịch bản không có cú sốc thuế quan Mỹ) khi đàm phán với Mỹ đạt kết quả rất tích cực, đồng thời khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới bù đắp sự sụt giảm của các động lực truyền thống và do rủi ro thuế quan.‏

‏Với kịch bản tiêu cực hơn‏(xác suất 20%): Chiến tranh thương mại leo thang, kéo dài, nhiều nước/khối đáp trả, hoạt động thương mại, đầu tư và tiêu dùng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu ròng, đầu tư, tiêu dùng...) sụt giảm mạnh trong khi các động lực tăng trưởng mới chưa phát huy hiệu quả rõ nét, khi đó tăng trưởng GDP cả năm dự báo chỉ ở mức khoảng 5,5-6%.

 ‏Dự báo tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2025 theo kịch bản cơ sở của nhóm nghiên cứu. ‏

Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là kịch bản không mong muốn nhưng cũng cần tính đến.‏

‏Từ đó, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra 6 kiến nghị. Bao gồm: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính, chống lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; Chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực; Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới như AI, năng lượng, liên kết vùng, khu thương mại tự do...).‏

‏Nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng.‏

‏Chú trọng đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; nhất là cổ phần hóa và thoái vốn DNNN; quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, triển khai các chiến dịch về tăng năng suất, chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng lao động nhằm ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ, đóng góp ngày càng cao cho tăng trưởng.‏

‏Riêng với giải pháp liên quan đến đàm phán với Mỹ, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh cần tích cực đàm phán thương mại, với gói chính sách phù hợp, đủ mạnh, nhằm giảm thuế đối ứng (phấn đấu ở mức 20-25% từ 46%, hoặc thấp hơn theo từng ngành hàng cụ thể) như một cấu phần quan trọng trong Thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.‏

‏Đồng thời, giải quyết kịp thời các quan ngại của Mỹ trong Báo cáo rào cản thương mại công bố ngày 31/3/2025 (nhất là về nguồn gốc xuất xứ, trung chuyển hàng hóa, sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ, năng lượng, dược phẩm, thương mại điện tử, viễn thông, an ninh mạng…).‏

‏Xem xét tiếp tục giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu (như chất bán dẫn, khí LNG, máy bay, thiết bị hàng không, dược phẩm, thiết bị y tế, nông sản…).‏

‏Tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, đặc biệt các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như thị trường Halal (với quy mô 2,2 tỷ người), châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông…‏

‏Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách kích cầu tiêu dùng phù hợp gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP"….;‏

‏Có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp bị tác động tiêu cực do chính sách thuế quan của Mỹ.‏