'Dù FDI và xuất khẩu chịu tác động thuế quan, các động lực kinh tế còn lại vẫn đảm bảo mức tăng trưởng GDP tốt > 5%'
Trong quý I/2025, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,93% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, phản ánh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và vượt kỳ vọng.
Động lực chính đến từ mức tăng ấn tượng (+7,7%) của khu vực dịch vụ, đóng góp hơn 53% vào tăng trưởng chung, cho thấy ngành dịch vụ nội địa vẫn là điểm tựa quan trọng trong bối cảnh ngành sản xuất xuất khẩu đối mặt rủi ro mới. Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 7,42%, tiếp tục ghi nhận sự phục hồi của sản xuất đặc biệt là ngành chế biến chế tạo. Trong khi đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 3,74%, ổn định nhưng chưa tạo đột phá.
5/7 động lực tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực
Về sản xuất, trong quý I/2025, ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi rõ rệt, dù còn phân hóa nội tại giữa các tiểu ngành. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tháng 3/2025 tăng 8,6% so với cùng kỳ, duy trì xu hướng tích cực từ đầu năm. Đặc biệt, ngành chế biến chế tạo – trụ cột của công nghiệp – tăng 10,2%, cho thấy động lực phục hồi từ hoạt động sản xuất xuất khẩu vẫn đang được duy trì, bất chấp áp lực từ môi trường thương mại toàn cầu.
Đáng chú ý, chỉ số PMI đã trở lại vùng dương 50,5 điểm trong tháng 3/2025 sau 3 tháng dao động dưới ngưỡng trung tính. Điều này hàm ý rằng đơn hàng mới và sản lượng sản xuất đang bắt đầu hồi phục, dù vẫn ở mức còn thận trọng do áp lực từ mối lo thuế quan
Về xuất khẩu, tính riêng tháng 3/2025, xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 38,51 tỷ USD, con số chưa từng có tiền lệ trong 3 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 14%, nhập khẩu tăng 19%, cho thấy mức phục hồi ấn tượng ở cả hai chiều hàng hóa. Đáng chú ý, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, phản ánh sự gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu – một tín hiệu đi trước của kỳ vọng tăng trưởng sản xuất trong những quý tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cảnh báo với việc Mỹ đang đe dọa áp thuế thương mại mới từ tháng 4/2025, đà tăng mạnh trong tháng 3 nhiều khả năng phản ánh tâm lý “chạy đơn hàng” trước khi chính sách có hiệu lực. Điều này hàm ý rằng, các số liệu tích cực này có thể chỉ mang tính thời điểm, và hoạt động xuất khẩu trong quý II sẽ cần được theo dõi sát để đánh giá.
“Thặng dư thương mại 12 tháng lũy kế đạt 19,93 tỷ USD, giảm 36,6% so với cách đây một năm, điều này tiếp tục duy trì lo ngại của chúng tôi kể từ đầu năm về áp lên tỷ giá”, báo cáo của TPS lưu ý.

Tổng giá trị XNK và thặng dư thương mại của Việt Nam trong 4 năm gần nhất. Ảnh: TPS
Về tiêu dùng, các chuyên gia đánh giá đà phục hồi đều đặn dù còn chậm so với giai đoạn trước COVID. Trong tháng 3/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 434.405 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, đưa mức tăng trưởng quý I/2025 lên trung bình 8,7%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm 2024 (2024 trung bình khoảng 8,1–8,5%). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn rõ rệt so với giai đoạn trước COVID– khi tăng trưởng tiêu dùng so với cùng kỳ thường xuyên đạt hơn 15–20%
Nhóm phân tích TPS tính toán tại thời điểm cuối tháng 3/2025, chỉ số bán lẻ hàng hóa TTM so với cùng kỳ (tăng trưởng trung bình 12 tháng) ở mức 8,2%, cho thấy tiêu dùng nội địa đang hồi phục đều đặn nhưng vẫn chưa quay lại xu hướng cao trước đó. Mức tăng này phản ánh tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng trước áp lực giá cả và triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn.
Một điểm sáng trong bức tranh tiêu dùng là du lịch. Tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam đã đón khoảng 2,054 triệu lượt khách quốc tế, tăng mạnh so với cùng kỳ quý I/2024 (1,599 triệu lượt, tăng ~28% svck) , cho thấy ngành du lịch đang phục hồi nhanh chóng và bước vào giai đoạn tăng tốc. Trong cơ cấu thị trường, du khách từ Trung Quốc đã trở lại vị trí dẫn đầu, với 631 nghìn lượt khách, gần gấp đôi so với Hàn Quốc (375 nghìn lượt) – thị trường vốn dẫn đầu trong suốt giai đoạn hậu COVID. Điều này phản ánh xu hướng nới lỏng du lịch của Trung Quốc, cũng như sức hấp dẫn đang quay trở lại của du lịch Việt Nam với du khách.
Về đầu tư, tính đến ngày 31/03/2025, tổng giải ngân đầu tư công đạt 116.876 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ, cho thấy động lực giải ngân đang dần quay lại sau một năm 2024 đầy trầm lắng. Đây là mức tăng trưởng đầu tư công cao nhất trong quý I kể từ sau năm 2022, đánh dấu nỗ lực tái khởi động các dự án trọng điểm trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần) tính đến hết 31/3/2025 ước đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt trong quý I với CPI tháng 3 duy trì ở mức 3,1% svck, thấp hơn mục tiêu 5% của Chính phủ. Yếu tố chính giúp ghìm CPI vẫn duy trì là nhóm giao thông, ghi nhận mức giảm sâu từ quý III/2024 nhờ giá dầu thế giới lao dốc, kéo theo chi phí logistics giảm. Ngược lại, nhóm nhà ở & vật liệu xây dựng vẫn duy trì mức tăng cao (~6% svck), tạo áp lực lạm phát cục bộ. Trong khi đó, các nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình cho thấy tín hiệu tăng nhẹ trở lại từ cuối năm 2024. Giáo dục duy trì ổn định và không có biến động lớn. Tổng thể, TPS đánh giá lạm phát đang trong vùng kiểm soát hợp lý, vẫn tiếp tục duy trì góc nhìn ổn định.

Ảnh: TPS
Nhìn chung, TPS đánh giá với 5/7 động lực tăng trưởng đang hoạt động tích cực, Việt Nam vẫn duy trì được quỹ đạo phục hồi; tuy nhiên, việc thực thi quyết liệt kế hoạch đầu tư công và chủ động ứng phó rủi ro bên ngoài sẽ là yếu tố then chốt để tiệm cận mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
"Với tình hình kinh tế quý I, chúng tôi đánh giá Việt Nam vẫn đang đảm bảo 5/7 động lực thúc đẩy kinh tế được hoạt động tốt, có tính khả thi cao về cuối năm. Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý tới rủi ro về việc áp thuế đối ứng của Mỹ lên Việt Nam và căng thẳng thương mại toàn cầu có thể khiến cho chỉ tiêu về FDI và xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đáng kể trong phần còn lại của năm 2025.
Dù vậy với các động lực còn lại vẫn sẽ đảm bảo cho Việt Nam một mức tăng trưởng GDP tốt > 5% trong năm nay", báo cáo của TPS nhận định.