Chuyên gia "hiến kế" phục hồi kinh tế TP.HCM sau giãn cách

18:23 | 17/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 17/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến các chuyên gia về chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế thành phố.

TP cần chuyển hướng tư duy chống dịch

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM) nhìn nhận với những kết quả của ngành y tế thời gian qua, TP.HCM cần chuyển tư duy ứng phó với dịch Covid-19 từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chậm thắng chắc”.

TP.HCM cần đi sớm hơn các địa phương khác. Trước mắt, TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cho phép hoạt động các ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu với yêu cầu đảm bảo chặt chẽ điều kiện chống dịch.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19 bởi vì "không thể quét sạch F0”. Bên cạnh đó, cần phải xác định cuộc chiến này là lâu dài và không quá phí sức cho một trận đánh mà không đảm bảo chắc chắn tháng sau, năm sau vẫn không còn F0 trong cộng đồng.

“Nếu đánh trận cuối cùng thì dùng hết sức, còn không thì phải tính toán sao cho hiệu quả”, PGS.TS Dũng nói và cho biết chúng ta sẽ "tiêu diệt" Covid-19 trong vài năm tới cùng với các việc khác.

Khi TP.HCM không thể xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách toàn bộ F0, cần tập trung xét nghiệm người có nguy cơ cao để phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị cho những người có triệu chứng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM).

PGS.TS Dũng đồng tình với việc quan điểm mở cửa kinh tế từng bước thận trọng, bên cạnh quan tâm đến sức khỏe, thể chất thì cũng cần quan tâm đến yếu tố tinh thần, đảm bảo sinh kế. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng nhưng với TP.HCM khi đạt được một số tiêu chí quan trọng thì có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.

Đồng quan điểm, GS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM nêu vấn đề, TP.HCM xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh. Nhưng nếu giữ vùng xanh bằng cách này thì cứ phải làm xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần (vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong 3 ngày), nghĩa là cứ phải làm hoài.

Vì vậy, ông Trần Diệp Tuấn đề nghị cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi.

Dự báo khi TP.HCM nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng. Ông Trần Diệp Tuấn đề nghị TP.HCM ngay từ bây giờ cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

PGS Vũ Minh Phúc - cố vấn Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TP.HCM) cũng cho rằng TP.HCM không nên xét nghiệm tầm soát diện rộng nữa vì tốn kém chi phí rất nhiều, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung đối tượng có nghi ngờ, nguy cơ cao như giao thương, sân bay…

Sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các nhà khoa học đều thống nhất một số quan điểm.

Tất cả chuyên gia nhận định không thể loại trừ dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Bên cạnh đó, điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến nay tương đối đảm bảo, như đã có thuốc, vaccine; người dân được tiếp cận y tế. Bên cạnh đó, người dân đã chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, "thắt lưng buộc bụng" cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Bí thư Nên nhận định.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thu Hằng)

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM tán đồng quan điểm đã đến lúc phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan. Chính quyền và nhân dân đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới, sống trong điều kiện có SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta. TP.HCM đã xây dựng kế hoạch với 14 chiến lược, trụ cột là y tế.

"Điều quan trọng thời gian tới là phải cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Hiện nay, thành phố phải củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc... để góp phần trong công tác điều trị", Bí thư Nên nói.

Chiến lược y tế phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện F0 trong cộng đồng. Trước đây, nếu phát hiện một F0 thì cả đơn vị phải đóng cửa, nhưng giờ phải tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.

Điều quan trọng tiếp theo trong chiến lược y tế là chính sách cho các loại hình y tế. Thời gian qua, dù tình hình khó khăn, y tế tư nhân chưa tham gia được vì không có động lực, điều kiện.

"Chính sách là huy động hết nguồn lực y tế, ai có điều kiện thì tham gia phòng chống, điều trị, quản lý, tư vấn... Tất cả phải tính toán trong chiến lược y tế để hình thành mạng lưới đủ sức lo cho dân chứ không cậy nhờ vào lực lượng tăng cường. Đây là vấn đề thành phố đang chuẩn bị", Bí thư Nên nói về chính sách thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có chiến lược an sinh xã hội. Bí thư kể thời gian qua, có quận 700.000 dân nhưng danh sách gửi lên đến hơn 600.000 người cần hỗ trợ. Giãn cách kéo dài khiến nhiều người mất việc, chịu đựng lâu dài, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi, người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế.

"Điều kiện giãn cách và vệ sinh y tế rất khó khăn. Hiện, chúng ta còn nhiều vấn đề về chiến lược công nghệ - giáo dục. Chúng ta tập trung lo chống dịch, ứng phó Covid-19 nhưng còn nhiều người có bệnh khác và đối tượng lo chưa tròn thì cần trở lại lo cho tròn", Bí thư nói.

 

TP.HCM đề xuất 4 kiến nghị để phục hồi kinh tế sau dịch

Trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM giảm 10,57%. Doanh thu ngành du lịch giảm 21,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%. Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm 43,6%. Gần 3.000 doanh nghiệp giải thể, hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 18% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM ước giảm 2,8% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Tính đến hết ngày 10/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 31% tổng kế hoạch được giao, chưa đạt yêu cầu so với kỳ vọng là đến hết 30/9 sẽ giải ngân được 60% kế hoạch.

Trước tình hình đó,  TP.HCM đề xuất 4 kiến nghị để phục hồi kinh tế sau dịch.

Một là, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Theo đại diện lãnh đạo TP.HCM, quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm.

Hai là, kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP.HCM.

Ba là, cho phép TP.HCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Bốn là, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TP.HCM đã kiến nghị.

Ngoài ra, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố không áp dụng việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% đến ngày 30/9/2021 và đạt 95-100% đến hết niên độ kế hoạch năm 2021 như kế hoạch đề ra. Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào các năm tiếp theo, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra theo đúng quy định.