TP.HCM lý giải việc rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca
Rút ngắn thời gian tiêm sẽ giúp TP sớm kiểm soát dịch bệnh
Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến Bộ Y tế, đề nghị được xem xét và có ý kiến về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca là từ 8-12 tuần. Nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine ngừa Covid-19, Sở Y tế TPHCM đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.
Lý giải về đề xuất này tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, chiều 16/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi loại vaccine có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau. Đa số dao động 3-4 tuần, riêng AstraZeneca là 8-12 tuần.
Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần.
"Thực tế thời gian đầu của dịch, một số đơn vị đã áp dụng cách này. Ví dụ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có trường hợp tiêm mũi 1 khoảng tháng 2, cách 6 tuần thì tiêm mũi 2 và vẫn rất hiệu quả. Đề xuất rút ngắn thời gian tiêm của 2 mũi AstraZeneca nhằm giúp TP.HCM nhanh chóng phủ mũi 2 để đáp ứng miễn dịch nhanh nhất" - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết
Đề xuất hợp lý
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VTCnews, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, kiến nghị giảm thời gian tiêm giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca xuống 6 tuần thay vì 8-12 tuần của Sở Y tế TP.HCM là hợp lý.
Bởi từ trước đến nay, nhà sản xuất AstraZeneca luôn khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine của hãng là từ 4 -12 tuần. Còn mốc từ 8 - 12 tuần được đưa ra từ các nghiên cứu trên thế giới, là khoảng thời gian lý tưởng nhất, giúp vaccine AstraZeneca đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất.
Việc giảm khoảng cách giữa 2 mũi vaccine xuống 4-8 tuần cũng chỉ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, nhưng không đáng kể so với mốc 8-12 tuần.
“Tại Việt Nam, ban đầu do chúng ta còn khan hiếm vaccine nên ưu tiên phủ rộng mũi 1 trước sau đó tiêm mũi 2. Nhưng hiện vaccine về nhiều, những nơi dịch bùng phát mạnh như TP.HCM thì cấp thiết nhanh chóng đảm bảo hiệu lực bảo vệ cao nhất cho người dân. Do đó, thay vì chờ 8-12 tuần, theo tôi nên hoàn thiện mũi 2 sớm”, BS Điền nói.
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, với tình hình dịch bệnh như hiện nay ở TP.HCM thì không cần thiết phải kéo dài thời gian chờ tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca như hiện nay. Bởi rất có thể người dân sẽ nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình chờ đợi được tiêm mũi 2.
BS Khanh cho rằng có thể rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 AstraZeneca xuống còn 6 tuần, thậm chí 4 tuần. “Với tình hình dịch bệnh như hiện nay tại TP.HCM thì kéo dài thời gian tiêm 2 mũi vaccine tôi cho là không cần thiết. Chúng ta nên tính toán rút ngắn xuống còn 6 tuần, thậm chí 4 tuần. Bởi mũi 2 rất quan trọng, cũng cần tiêm sớm để nâng cao hiệu quả bảo vệ. Còn mốc thời gian 8-12 tuần chúng ta vẫn cần tính đến trong trường hợp không có dịch bệnh”, BS Khanh nói.
Nhiều quốc gia cũng đã áp dụng
Theo racgp và abc, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh và nguy cơ xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai, nhiều nước trên thế giới đang tính đến chuyện rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm để đảm bảo khả năng bảo vệ tốt nhất cho người dân. Trên thực tế, đây không phải là giải pháp mới.
Như tại Anh, nước này đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 12 tuần xuống 8 tuần cho những người từ 40 tuổi trở lên để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng cách 12 tuần giữa các liều vaccine AstraZeneca mang lại sự bảo vệ tối ưu. Tiêm liều thứ 2 sớm hơn mang lại ít sự bảo vệ hơn, nhưng lại là một giải pháp để nhiều người được tiêm chủng và được bảo vệ đầy đủ hơn.
Trong khi đó tại Australia, Nhóm Cố vấn Kỹ thuật quốc gia về Tiêm chủng (ATAGI) đã khuyến nghị rằng khoảng cách 12 tuần tiêu chuẩn giữa liều đầu tiên và thứ hai của AstraZeneca nên giảm xuống còn 4–8 tuần đối với những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mối quan tâm lớn nhất lúc này là biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn và có thể nghiêm trọng hơn, dẫn đến khả năng nhập viện cao hơn. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm xuống 8 tuần vẫn cung cấp mức độ bảo vệ khá tốt. Các nghiên cứu tại Australia cho thấy, một liều duy nhất của vaccine Covid-19 AstraZeneca giúp giảm 30% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng khoảng 30% và nhập viện là 71%.
Tuy nhiên, hai liều vaccine Covid-19 AstraZeneca làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng hơn nữa, lần lượt 67% và 92%. Do đó, rút ngắn khoảng cách giữa liều thứ nhất và thứ hai sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ ngắn hạn. Điều này được cho là có lợi trong các tình huống bùng phát mạnh dịch bệnh và bất kỳ quyết định nào để giảm khoảng thời gian khuyến nghị giữa các mũi vaccine đều nên dựa trên mục tiêu của mỗi quốc gia.
TP.HCM tiếp tục giãn cách đến 30/9
TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố và Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố từ 00 giờ 00 ngày 16/9 đến hết ngày 30/9/2021 với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên từng địa bàn cụ thể.
Tiếp tục thực hiện việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông theo Công văn số 2800/UBND-VX, Công văn số 2850/UBND-VX và Công văn số 2994/UBND-ĐT của UBND Thành phố. Giấy đi đường do Công an Thành phố đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9/2021.
Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 2798/KH-UBND và Công văn số 2994/UBND-ĐT của UBND Thành phố.