Chuyển tiền liên ngân hàng từ 10 triệu sẽ phải sinh trắc học?

Trang Mai 12:30 | 19/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là thông tin được ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19/6.

Theo ông Lê Anh Dũng thông tin, thời gian qua lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.

 Hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại Úc, lừa đảo trực tuyến gây tổn tới 3 tỷ đô la Úc (AUD), tổn thất ngày càng lớn qua từng năm, trung bình 19.600 AUD/ vụ.

Kênh lừa đảo chủ yếu là tin nhắn SMS (33%), tiếp theo là điện thoại (29%), email (22%), Internet (6%), mạng xã (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm trên 25% số báo cáo và thiệt hại), và nhóm 55-64 tuổi.

Trên thực tế, số vụ trình báo chỉ chiếm rất ít so với số vụ thực tế. Tội phạm nhắn vào tâm lý muốn lấy lại tiền thì để tiếp tục lừa. Có trường hợp bị lừa 40 lần mới biết dính bẫy lừa đảo.

Tại Việt Nam các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm: đối tượng lừa đảo giả danh công an, Viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.

Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ chuyển sim 3G thành 4G miễn phí hoặc thông báo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

Nạn nhân làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại để nhận mã OTP kết hợp với thông tin định danh đã thu thập được của khách hàng để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử, có quyền truy cập thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền của người dùng.

Nguyên nhân lừa đảo trực tuyến từ góc độ chủ tài khoản ngân hàng có thể chia làm hai loại. Một là gian lận thanh toán do bị đánh cắp thông tin của chủ tài khoản. Tội phạm mạng lấy được thông tin đăng nhập của khách hàng hoặc đã lén lấy thông tin xác thực khách hàng và giành được quyền truy cập tài khoản. 

Khi đã truy cập được vào tài khoản khách hàng, kẻ lừa đảo có thể thiết lập và thực hiện thanh toán mà khách hàng không hề hay biết. Hai là gian lận thanh toán được phép của chủ tài khoản. Tội phạm giăng bẫy, đưa ra các chiêu trò đánh vào yếu tố tâm lý khiến nạn nhân chủ động thực hiện giao dịch thanh toán.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, tình trạng lừa đảo xảy ra gây tổn hại rất lớn đến khách hàng và thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý và ngân hàng, làm suy giảm niềm tin của khách hàng, tổn hại danh tiếng và phải tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động phòng chống.

Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của NH và người dùng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Làm việc với Bộ Thông tin truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động. 

Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy, tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Qua đó, cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua”, ông Lê Anh Dũng phát biểu. 

Cũng tại Hội thảo, ông Đoàn Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ một thực trạng là trong suốt thời gian dài vừa qua, có nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Hiện Chính phủ có đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, từ đó kết nối dữ liệu ngân hàng với dữ liệu quốc gia về dân cư, để làm sạch dữ liệu ngân hàng đang có. Hiện có 27 ứng dụng đang phối hợp làm việc này, thời gian tới tăng thêm.

Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các ngân hàng kết nối vào nhằm xác thực dữ liệu. Việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ làm giảm rất nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, và giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận.