Cổ phiếu bật tăng theo đà hồi của thị trường, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp liên tục đăng ký bán thu tiền tỷ

Lạc Lạc 15:25 | 10/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tháng 6, nhiều mã cổ phiếu bật tăng từ vùng đáy, thậm chí có mã vượt lên 50-60%. Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo và người liên quan đã tranh thủ bán ra lượng lớn cổ phiếu, thu về hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Trong tháng 6, chỉ số VN-Index tăng 4,2%, thiết lập mức đỉnh cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, việc dòng tiền chuyển dịch từ tiền gửi ngân hàng sang thị trường chứng khoán đã giúp thanh khoản cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt hơn 714 triệu USD.

Đồng thời, thanh khoản trên thị trường cũng tăng mạnh so với tháng trước. Với 22 phiên giao dịch được thực hiện trong tháng 6, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 119 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.919 tỷ đồng/phiên, tăng 9,88% về khối lượng giao dịch và tăng 21% về giá trị giao dịch so với tháng trước.

Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo và người có liên quan đã bán ra cổ phiếu, ước tính thu về hàng chục tỷ đồng.

Từ ngày 27/6-5/7, bà Ngô Thị Ngọc Liễu, mẹ của ông Cao Tấn Thạch -  Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long đã bán ra thành công 800.000 cổ phiếu NLG, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,21 triệu cổ phiếu xuống còn 1,41 triệu cổ phiếu. Phương thức thực hiện là khớp lệnh và thỏa thuận.

Cuối tháng 6, thị giá cổ phiếu này tăng mạnh hơn 50%, từ 22.870 đồng/cổ phiếu vùng đáy tháng 11/2022 lên 34.800 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối tháng 6. Tạm tính mức giá này, ước tính bà Liễu đã thu về khoảng 28 tỷ đồng từ việc bán ra cổ phiếu NLG.

Cũng trong bối cảnh thị giá vẫn khả quan, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, vợ ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long đã đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu để phục vụ mục đích cơ cấu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian 6/7 – 4/8, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, bà Ngọc sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 13,84 triệu cổ phiếu (tương đương 3,6% vốn điều lệ). Tạm tính theo giá kết phiên giao dịch ngày 7/7 của NLG là 31.950 đồng/cp, ước tính bà Ngọc sẽ thu về khoản tiền gần 80 tỷ đồng. 

 Cổ phiếu NLG thoát "đáy" tháng 11/2022. Ảnh: TradingView

Tại Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, kể từ cuối tháng 4 đến nay, thị giá cổ phiếu TDC đã tăng lên hơn 50%, từ vùng giá 9.800 đồng lên đỉnh 14.950 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/6. So với vùng đáy tháng 11/2022, thị giá TDC đã tăng gấp đôi.

Trong khoảng thời gian từ 5-23/6, bà Lý Thị Bình, Tổng Giám đốc TDC báo cáo đã hoàn tất bán ra 30.000 cổ phiếu nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu bán ra đúng ngày 18/6, vị này đã có thể thu về gần 450 triệu đồng.

 Thị giá mã TDC từ tháng 4 đến nay. Ảnh: TradingView

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong chưa đến 10 ngày đầu tháng 6, giá cổ phiếu này đã có đà bật vượt trội từ 5.190đồng (kết phiên 1/6) lên 7.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên 9/6), giá cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Trong khoảng thời gian này, người có liên quan của người nội bộ đồng loạt bán ra, thu về ước tính hàng chục tỷ đồng. Đơn cử, bà Đỗ Nhung (quốc tịch Mỹ), em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT đã bán ra hơn 5 triệu cổ phiếu POM theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, vị này đã giảm tỷ lệ sở hữu tại POM từ mức 7,3 triệu cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ 2,6% xuống còn gần 2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,71%. Tạm tính theo giá ngày 9/6, ước tính bà Nhung đã có thể thu về 37,5 tỷ đồng.

Thị giá đang ở mức tốt, bà Đỗ Thị Kim Ngọc – em gái của ông Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu POM. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong khoảng thời gian từ ngày 4-28/7. Nếu thành công, cá nhân này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Pomina từ 5,51% xuống 3,54% tương ứng còn nắm giữ 9,9 triệu cổ phiếu.

Tương tự, chị gái của ông Đỗ Duy Thái là bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (quốc tịch Đức) cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 30/6-28/7. Trước đó bà Cẩm Hương đã nhiều lần muốn thoái hết vốn nhưng đều không bán hết lượng đăng ký với lý do giá chưa đạt kỳ vọng.

 Thị giá POM từ đầu năm đến nay. Ảnh: TradingView

Tại CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang, thị giá cổ phiếu LGL hiện giao dịch ở quanh mức 4.400 đồng, tức đã tăng gấp 2,5 lần kể từ đáy tháng 11/2022. Chỉ tính từ phiên cuối cùng của tháng 5 đến phiên lập đỉnh tạm ngày 14/6, thị giá LGL tăng 28%, đạt 5.330 đồng/cổ phiếu. 

Từ ngày 8/6 đến 26/6 vừa qua, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc LGL đã bán thành công 1,3 triệu cổ phiếu LGL. Ước tính, ông Trung đã có thể thu về gần 6,5 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,6% xuống còn 0,064%.

Còn tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC, cổ phiếu SMC không có quá nhiều biến động và chủ yếu đi ngang trong vùng giá hơn 9.000 đồng đến 12.000 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian 5 tháng đầu 2023. Tuy nhiên đến tháng 6, thị giá SMC bất ngờ tăng 40% so với thời điểm cuối tháng 4 - đầu tháng 5, nếu so với đáy tháng 11/2022, thị giá của SMC đã tăng gần gấp đôi, lên trung bình 13.850 đồng/cổ phiếu. 

Trong khoảng thời gian từ ngày 5/6 đến 28/6, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa - người có liên quan của bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Thành viên HĐQT SMC đã bán ra thành công 530.000 cổ phiếu thu về ước tính 7,3 tỷ đồng bằng phương pháp thỏa thuận và khớp lệnh. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cá nhân này tại SMC đã hạ từ mức gần 1,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 1,74% xuống còn 751.000 cổ phiếu, tương ứng với 1,02% vốn điều lệ. 

Mới đây nhất, ông Nguyễn Quốc Thắng - Giám đốc Đơn vị thành viên, chồng của bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi cũng đăng ký bán ra 500.000 cổ phiếu trong thời gian từ ngày 11/7 đến 10/8 thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu bán thành công, ông Thắng cũng có thể thu về gần 7 tỷ đồng.

 Thị giá SMC từ đầu năm đến nay. Ảnh: TradingView