Cổ phiếu ngành nào được BSC khuyến nghị trong tháng 6?
Tháng 5, P/E của VN-Index xếp thứ 7 châu Á
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tiếp tục ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh. Đặc biệt có thời điểm VN-Index giảm hơn 10% trong 3 phiên liên tiếp (13-16/05), tụt ngược về mốc 1.171,95 điểm.
Trong khi VN-Index giảm từ đầu tháng và có dấu hiệu hồi phục từ giữa tháng trở đi, HNX-Index có phần tiêu cực hơn khi nhịp hồi phục xuất hiện ở cuối tháng. Kết thúc tháng, VN-Index giảm 5,42%, HNX-Index giảm 13,69%.
Những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường kéo theo 8/11 nhóm ngành cấp 1 giảm điểm. Theo báo cáo thị trường mới nhất của BSC, nhóm ngành nguyên vật liệu, viễn thông, ngân hàng là 3 nhóm ngành có diễn biến giảm điểm mạnh nhất với mức giảm lần lượt 13,4%, 9,48% và 7,05%. Ngược lại, nhóm ngành dầu khí, tiện ích cộng đồng và công nghệ thông tin là 3 nhóm ngành tăng điểm với mức tăng lần lượt là 9,09%, 4,65% và 2,93%.
P/E của chỉ số VN-Index kết thúc tháng 5 ở mức 13,89 lần, giảm 5,68% so với tháng 4 và thấp hơn mức 16,37 lần của P/E bình quân 5 năm. Có 2/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường.
BSC cho hay P/E của VN-Index hiện đang ở mức định giá hấp dẫn với vị trí thứ 7 châu Á sau những phiên giảm điểm. Trong khi đó, P/E của HNX-Index ở mức 16,16 lần; đứng thứ 11 khu vực châu Á.
Kết thúc tháng 5, vốn hóa toàn thị trường giảm 5,71% so với thời điểm cuối tháng 4/2022, còn 6,72 triệu tỷ cho cả ba sàn. Giá trị giao dịch bình quân đạt 770,24 triệu USD/ phiên, giảm 31,93% so với tháng 4. Thanh khoản cũng sụt giảm trong bối cảnh thị trường giảm sâu, tâm lý tiêu cực bao trùm và không có nhiều thông tin hỗ trợ.
Khối nội tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường, chiếm 82,2% trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường dù giảm 2,66% so với tháng 4.
Khối ngoại cũng hoạt động tích cực, với nhóm Tổ chức nước ngoài giao dịch tăng 22,02% so với tháng trước. Trong tháng 5, khối ngoại mua ròng 3.186 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 4.
Lũy kế khối ngoại bán ròng 9/12 tháng gần nhất với giá trị bán ròng đạt 43.840 tỷ đồng. FUEVFND, NLG và DPM là 3 mã được khối ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất, đáng chú ý mã FUEVFND mua ròng 2.563 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại; HPG, SSI là 2 mã bán ròng lớn nhất với giá trị bán ròng lần lượt là 848 tỷ và 728 tỷ.
Dự báo tháng 6: VN-Index quay lại kiểm tra vùng 1.350 – 1.380 điểm
Ở kịch bản lạc quan, nhóm nghiên cứu BSC dự báo trong tháng 6, VN-Index quay lại kiểm tra vùng 1.350 – 1.380 điểm, phản ánh xu hướng hồi phục sau chuỗi thời gian giảm điểm nhờ tâm lý thị trường tích cực trở lại.
“Động lực đến từ quyết tâm của Chính phủ khi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai, đồng thời tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có dấu hiệu được cải thiện, diễn biến biến giá cả hàng hóa vận động theo xu hướng khả quan”, báo cáo của BSC nêu rõ.
Với kịch bản này, P/E của VN-Index có thể quay trở lại vận động trong vùng 14,0-14,5 lần; trong khi thanh khoản thị trường dự báo ở mức 0,8-1,1 tỷ USD/ phiên.
Ở kịch bản 2 ảm đạm hơn, nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng gây áp lực lên lạm phát và chính sách điều hành vĩ mô trong nước, đồng thời tâm lý tiêu cực, thận trọng quay trở lại; mặt khác FED bắt đầu các đợt nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán theo lộ trình bên cạnh các gói trừng phạt mới từ Mỹ và phương Tây áp dụng đối với Nga; VN-Index được dự báo dao động trong vùng 1.240 – 1.250 điểm.
Cũng trong tháng 6, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành, cổ phiếu có thể phân bổ danh mục là Nhóm đầu tư công, hạ tầng, thu hút FDI bao gồm: ngành Bất động sản, Khu công nghiệp (BCM, LHG, KBC…), ngành BĐS thương mại (VHM, DXG, NLG…); Nhóm phục hồi nhu cầu thế giới hậu COVID-19 bao gồm: ngành cảng biển & vận tải (GMD, VSC), ngành thủy sản (VHC, ANV…), ngành dệt may (MSH, TNG…) và Nhóm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 bao gồm: ngành công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông (FPT, CTR…), ngành ngân hàng (MBB, VCB, TCB…), ngành tiêu dùng – bán lẻ (MWG, PNJ…), ngành phân bón hóa chất (DPM, DGC…), ngành điện (REE, PC1…)...