`Co-working space` đang hâm nóng thị trường văn phòng cho thuê hậu COVID-19
Thị trường văn phòng với mô hình chia sẻ "co-working space" đang nóng trở lại ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam hậu đại dịch COVID-19.
Trong vài năm trở lại đây, dạng văn phòng chia sẻ "co-working space" (hoặc coworking space) đang rất được các doanh nghiệp săn đón, có dấu hiệu nở rộ tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,... Nhiều trung tâm văn phòng chia sẻ liên tục mọc lên như Regus, Toong, WeWork, CoGo, JustCo,... đã phần nào đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt vào thời kì hậu COVID-19, văn phòng chia sẻ ngày càng có sự bành chướng, nhu cầu thuê mặt bằng hoặc chỗ ngồi tăng nhanh, hứa hẹn đưa thị trường văn phòng hồi phục trở lại.
Co-working Space (văn phòng chia sẻ) được cho là một xu hướng ra đời vào năm 2005 tại San Fransisco (Mỹ), là một phong cách làm việc nơi nhiều doanh nghiệp, công ty cùng chia sẻ một không gian văn phòng rộng có sức chứa cả trăm, ngàn người.
Dạng văn phòng này cho phép người dùng sử dụng chung các khu vực và trang thiết bị để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên vẫn có không gian độc lập và riêng biệt cho từng công ty hoạt động. Đây cũng là nơi mà hàng trăm công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi công việc, cơ hội kinh doanh. Thay vì lựa chọn làm việc tại nhà hoặc quán cafe, nhà hàng, thư viện,... co-working space đang dần trở thành điểm đến của những người làm freelancer cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ hậu COVID-19.
Dành cho giới "freelance"
Thông thường, freelancer là những người làm việc tự do, được các công ty khác nhau thuê để làm công việc phù hợp với kỹ năng của mình và đa phần làm việc xa trụ sở chính của công ty hoặc làm online. Họ không có việc làm lâu dài hay cố định, cũng không bị ràng buộc với các điều kiện của công ty ngoài phần việc được giao.
Văn phòng chia sẻ đã đem lại một không gian làm việc tuyệt vời, chuyên nghiệp cho những người làm freelancer, không bị phiền nhiễu và ồn ào như khi làm việc ở nhà hay tại các quán cafe. Co-working space giúp các freelancer có cảm giác được sở hữu văn phòng riêng, cũng không quá biệt lập hay cô độc như khi làm việc ở nhà. Họ cũng có thêm các cơ hội giao lưu, hợp tác mới với những công ty, doanh nghiệp cùng thuê chung co-working space mà vẫn có thể tập trung, chú tâm vào công việc của mình.
Hợp túi tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thay vì thuê mặt bằng hoặc văn phòng truyền thống tốn nhiều chi phí, co-working space giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có không gian làm việc tốt nhất cả về mặt cơ sở hạ tầng lẫn thiết kế. Dù thuê chung mặt bằng với nhiều đơn vị khác, co-working space vừa giúp các công ty này có chỗ ngồi và phòng ốc phù hợp đủ để đảm bảo tính riêng tư, tách biệt vừa tạo cơ hội để các bên giao lưu, hợp tác với nhiều dự án mới.
Một văn phòng co-working tại Việt Nam
Đặc biệt, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ chọn phương án thuê thêm người để phát triển. Với ngân sách hạn chế, xu hướng "co-working space" được rất nhiều doanh nghiệp săn đón, ưu ái.
Theo thống kê, với mặt bằng văn phòng truyền thống, chủ doanh nghiệp cần ký 1-2 năm, tiền cọc thanh toán theo thời hạn 3 tháng/lần. Chi phí trung bình cho chỗ ngồi cố định là khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nếu thuê chỗ ngồi linh động là khoảng 1 triệu đồng/tháng. Người thuê có thể tiết kiệm tới 90% chi phí trong trường hợp chuyển từ không gian văn phòng truyền thống sang không gian làm việc linh hoạt.
Các tập đoàn lớn cũng "săn đón" co-working space
Không quá ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Microsoft, HSBC, SamSung,... đang dần chuyển sang hình thức co-working space. Không gian làm việc chung giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian thay vì phải tìm kiếm một văn phòng mới và sửa chữa, quản lý chúng. Theo số liệu từ năm 2019 của Wework - công ty coworking lớn nhất thế giới được định giá 47 tỷ đô - khoảng 40% doanh thu của họ đến từ các tập đoàn trị giá hàng tỷ đô thuê co-working space để làm việc.
Các tập đoàn lớn như Samsung cũng ưu ái xu hướng coworking
Xu hướng này đang dần trở nên phổ biến tại Mỹ, châu Âu và đang có dấu hiệu lan rộng ra châu Á. Các tập đoàn kỳ vọng nhân viên của họ sẽ bị "ảnh hưởng" bởi nhóm các công ty start-up, freelancer,... thường rất năng động, sáng tạo, từ đó khơi gợi tinh thần lao động và tăng cường năng suất.
Các chuyên gia cho rằng co-working space giúp nhân viên làm việc sáng tạo, năng suất hơn so với môi trường văn phòng truyền thống. Họ có cơ hội giao lưu, làm quen, mở rộng mối quan hệ, nâng cao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn.
Ngay cả khi nhân viên không phải là người hướng ngoại thích tương tác, họ cũng có thể tìm được một bàn làm việc tốt với không gian năng động, sáng tạo kích thích trí tưởng tượng. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ hợp coworking space đều có bàn trà, cà phê, bánh trái,... luôn đầy ắp và miễn phí, phù hợp với các chị em công sở.
Theo một nghiên cứu của Harvard Business Review, 89% người được hỏi cảm thấy hạnh phúc hơn kể từ khi tham gia một không gian làm việc chung; 82% nói rằng co-working đã mở rộng mạng lưới công việc của họ.
Linh Chi (t/h)