Công bố Chỉ tiêu đo “sức khỏe” doanh nghiệp Việt
Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017 do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố với 10 chỉ tiêu chủ yếu.
Chỉ tiêu đầu tiên là Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động. Tiếp đó là các chỉ tiêu về Doanh nghiệp thành lập mới; Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; Doanh nghiệp ngừng hoạt động; Doanh nghiệp giải thể; Lao động của khu vực doanh nghiệp; Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; Doanh thu; Lợi nhuận trước thuế và đóng góp vào ngân sách nhà nước và cuối cùng là chỉ tiêu thu nhập của người lao động.
Phát biểu tại lễ Công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, việc công bố chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam; giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, để thực hiện một cách hiệu quả bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng VCCI để xây dựng và công bố bộ chỉ số này. Cùng với các chỉ số đã có ví dụ như PAPI và PCI thì bộ chỉ số này giúp Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương biết được tình hình chung và trình độ phát triển... của doanh nghiệp tại từng địa phương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khác với chỉ số PAPI và PCI, Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp không thể so sánh chỉ số phát triển giữa doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn với doanh nghiệp tại TPHCM. Thay vào đó sẽ lấy tiêu chí của bộ chỉ số này để so sánh về sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh đó so với năm trước, hoặc so sánh giữa các tỉnh trong cùng một khu vực điều kiện phát triển; hoặc đánh giá tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho địa phương và tổng tiền lương doanh nghiệp đã trả cho người lao động.
Sách Trắng Việt Nam sẽ được ra mắt vào năm 2019
Mặt khác, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bộ chỉ tiêu này là cơ sở tốt để cơ quan nhà nước, các ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu đề ra chính sách phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020. Đồng thời đề nghị Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin của bộ chỉ tiêu sẵn có. Sớm biên soạn và xuất bản Sách Trắng về thực trạng của Doanh nghiệp Việt Nam trong quý IV.
Bên cạnh đó, theo các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến đầu tháng 7/2018, cả nước có trên 702.700 doanh nghiệp đang tồn tại.
Trong đó khu vực nhà nước có gần 2.500 doanh nghiệp, giảm 6,6% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có trên 541.700 doanh nghiệp, tăng gần 11%. Khu vực FDI có trên 16.170 doanh nghiệp tăng hơn 15%. 40/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp cao hơn mức bình quân chung của cả nước, dẫn đầu là Bắc Giang tăng gần 34%; Hà Nam tăng 32%...
Về số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước, năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với trên 126.850 doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với năm 2016