Cổng Dịch vụ công quốc gia mạng lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm gần 8.000 tỉ đồng/năm

23:08 | 30/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, ước tính chi phí tiết kiệm khoảng 8.000 tỉ đồng/năm so với trước đây.
Chiều 30.12, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700.
 
Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện một số địa phương...
 
Cổng Dịch vụ công quốc gia mạng lại hiệu quả thiết thựcBộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
 
Từ 8 dịch vụ công thời điểm khai trương, tháng 12.2019, đến nay Cổng DVCQG đã cung cấp 2.700/6.790 thủ tục hành chính cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
 
Trong đó, 4 dịch vụ công trực tuyến vừa được kết nối và vận hành trên Cổng DVCQG là: “Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân"; "cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng"; "cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ"; "kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu"
 
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, Cổng DVCQG đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thể hiện Chính phủ phục vụ, lấy đối tượng là người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
 
Đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
 
Đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng DVCQG, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương.
 
Cổng DVCQG đã đồng bộ trạng thái hơn 27,5 triệu hồ sơ, tăng gấp hơn 8 lần so với tháng 3.2020, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
 
Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng DVCQG.
 
Cổng Dịch vụ công quốc gia mạng lại hiệu quả thiết thựcPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng DVCQG. Ảnh Nhật Bắc
 
Ngày 21.12.2020, Cổng DVCQG đã hoàn thành kết nối, tích hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến của ngành Tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án; nộp đơn khởi kiện; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng; đăng ký cấp bản sao, tài liệu trong hồ sơ vụ án…
 
Đến nay, số dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vượt 9% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1 tháng 1 năm 2020, tăng gấp 14,8 lần so với tháng 3/2020.
 
Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi khai trương đến nay là khoảng 7.995 tỉ đồng/năm.
 
Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG đã cho phép các bộ, ngành, địa phương linh hoạt cung cấp dịch vụ, có thể thanh toán trực tuyến với tất cả các thủ tục hành chính, kể cả các thủ tục chưa cung cấp trực tuyến (các hồ sơ thủ tục được tiếp nhận trực tiếp hoặc qua bưu chính).
 
Theo báo Lao Động