CTCK nào đang rót vốn nhiều nhất vào tự doanh cổ phiếu?
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khả quan cả về điểm số và thanh khoản trong quý I. VN-Index tăng 13,6% so với đầu năm với đà khởi sắc của nhiều nhóm cổ phiếu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán có cơ hội thu lãi đáng kể từ hoạt động tự doanh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (ccq).
Tính đến 20/4, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I (đơn lẻ/công ty mẹ).
Theo thống kê, 10 đơn vị đang nắm giữ danh mục cổ phiếu/ccq trị giá vượt 1.000 tỷ đồng kể đến Chứng khoán Vietcap, SHS, VIX, VNDirect, VPBankS, ACBS, SSI, TCBS, CTS, KIS (Việt Nam).
Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) tiếp tục dẫn đầu về tự doanh cổ phiếu. Giá trị đầu tư tiếp tục tăng 20% so với cuối năm 2023, đạt gần 8.100 tỷ đồng tại cuối tháng 3. Báo cáo quý I của Vietcap chỉ thuyết minh 2 cổ phiếu niêm yết trong tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là HPG (18 tỷ đồng) và CTG (gần 5 tỷ đồng).
Mặt khác, giá trị tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đang đạt 7.687 tỷ đồng tại cuối quý I, tăng 16% so với đầu năm. So với giá gốc, AFS đang ước lãi 56%, tương đương với 2.770 tỷ đồng, trong đó 2/3 đến từ khoản đầu tư chiến lược IDP (ước lãi gần 1.800 tỷ đồng). Cùng với IDP, hầu hết các khoản đầu tư cổ phiếu tại AFS đều đang lãi, gồm KDH, PNJ, MSN, MBB, STB, TDM...
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) vươn lên vị trí thứ hai top đầu tư nhiều cổ phiếu, với giá trị cuối kỳ đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 2% sau 3 tháng.
Tại FVTPL, SHS đã hạ tỷ trọng đầu tư (giá gốc) tại cổ phiếu chưa niêm yết 28%, tương đương với 175 tỷ đồng. Tuy vậy, giá trị thị trường của cả nhóm cổ phiếu gần như không đổi nhờ xu hướng tăng giá. So với giá gốc, khoản cổ phiếu đang ước lãi 10,6%, tương đương với 359 tỷ đồng. Các mã đang nắm giữ tại FVTPL kể đến VPB, MWG, FRT... Trong đó, FRT đóng góp lớn nhất với mức lãi 86%, tương đương với 241 tỷ đồng.
Tại danh mục AFS, SHS duy trì nắm giữ SHB và TCD. Với đà tăng giá khoảng 10 - 11% trong quý I của các mã này, ước tính lãi đầu tư AFS gia tăng lên 48%, tương đương với lãi 227 tỷ đồng (so với giá gốc).
Chứng khoán VIX lùi hạng khi giá trị cổ phiếu giảm 14% trong quý I, ghi nhận gần 3.800 tỷ đồng. Mức giảm chủ yếu đến từ cổ phiếu niêm yết, giảm 18% về gần 3.000 tỷ đồng. VIX cho biết thị trường diễn biến tích cực, công ty đã thực hiện hóa một phần danh mục đầu tư trong kỳ.
Giá trị đầu tư cổ phiếu/ccq (không kể cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) của VNDirect (Mã; VND) tăng 23% trong quý I, đạt hơn 2.800 tỷ đồng. Danh mục đang rót nhiều nhất vào các mã như VPB, HSG, ACB, C4G, LTG...
Các đơn vị còn lại nhóm tự doanh cổ phiếu/cc trên nghìn tỷ đều gia tăng cổ phiếu trong kỳ, gồm KIS (Việt Nam), CTS, TCBS, ACBS, VPBankS. Ngoại trừ SSI (công ty mẹ), giá trị đầu tư cổ phiếu/ccq (không kể cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) giảm 27% so với cuối năm 2023 về mức 1.200 tỷ đồng. Giá trị giảm đến từ cổ phiếu/ccq niêm yết thu hẹp 35%.
Nhóm tự doanh với giá trị danh mục dưới 1.000 tỷ đồng, các đơn vị có tăng trưởng danh mục đáng kể là Chứng khoán BIDV (BSC - Mã: BSI), VCBS, FPTS (Mã: FTS).
Danh mục cổ phiếu/ccq của BSC gấp 7 lần đầu năm, đạt 783 tỷ đồng. CTCK này đã rót thêm vốn vào các cổ phiếu FPT, TCB, HPG, MWG... trong kỳ.
VCBS tăng 68% danh mục cổ phiếu/ccq sau 3 tháng đầu năm, đạt 492 tỷ đồng. Với FPTS, mức tăng giá trị danh mục đạt 19%, lên 419. Danh mục FPTS trọng yếu là khoản đầu tư chiến lược May Sông Hồng (Mã: MSH), với giá trị 416 tỷ đồng.
Việc sở hữu danh mục cổ phiếu lớn đồng nghĩa với tiềm năng thu lãi càng nhiều trong bối cảnh thị trường tăng điểm. Ngược lại, đây sẽ áp lực đến hiệu quả kinh doanh khi thị trường đảo chiều lao dốc. Tại báo cáo chiến lược tháng 4, bộ phận phân tích của hàng loạt CTCK như SSI, BSC, Agriseco, TPS... có chung nhận định thị trường có rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.