Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Hòa hoãn tạm thời
Theo giới phân tích, những mâu thuẫn cơ bản giữa Bắc Kinh và Washington về chính sách công nghiệp và đầu tư công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, mặc dù hai bên đạt được một số tiến bộ trong vòng đàm phán thương mại gần đây ở Washington.
Theo tuyên bố chung ở Washington ngày 19/5, Trung Quốc đồng ý tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, trong đó “tăng đáng kể” nhập khẩu nông sản và năng lượng. Điều này sẽ làm một cách cơ bản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Đây là kết quả đạt được sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Washington giữa phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Nhưng tuyên bố chung nói trên không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về sản phẩm, số lượng hoặc khung thời gian, mà chỉ nói rằng Mỹ sẽ gửi một nhóm công tác đến Trung Quốc để tính toán các chi tiết.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói với Tân Hoa Xã rằng hai bên đã đồng ý không sa vào một cuộc chiến thương mại và sẽ rút lại các mức thuế trừng phạt mà hai bên đã đe dọa áp đặt. Ông Lưu cho biết hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác thương mại trong các lĩnh vực y tế, sản phẩm công nghệ cao và tài chính, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Bắc Kinh và Washington cũng đồng ý khuyến khích đầu tư hai chiều, tuyên bố chung cho biết, và Trung Quốc đồng ý sửa đổi các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nhưng tuyên bố này không đề cập đến lệnh cấm 7 năm của Washington về việc bán các linh kiện Mỹ cho công ty viễn thông Trung Quốc ZTE hoặc các kế hoạch trợ cấp công nghiệp của Bắc Kinh như kế hoạch “Made in China 2025”.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng nói rằng sẽ còn mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề về cấu trúc trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ và ông không loại trừ “những rắc rối mới” trong tương lai.
Hôm 18/5, Bắc Kinh đã phủ nhận tin tức đăng trên các phương tiện truyền thông rằng Trung Quốc đã đề xuất một gói các biện pháp nhằm cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ tới 200 tỷ USD một năm. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt mức kỷ lục 375 tỷ USD trong năm ngoái và thu hẹp khoảng cách đó là ưu tiên của Tổng thống Donald Trump. Washington đã yêu cầu Trung Quốc giảm ít nhất 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ vào cuối năm 2020, trong vòng đàm phán đầu tiên cách đây hơn hai tuần ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết sự gia tăng nhập khẩu đáng kể trong một thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc thương mại của Trung Quốc cũng như mối quan hệ của nước này với các đối tác thương mại khác. Ông nói thêm rằng Trung Quốc có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ và mở cửa thị trường, nhưng sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ thông qua kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025”.
Giáo sư Shi Yinhong nhận định: “Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và đợt ngừng bắn này sẽ không kéo dài hơn sáu tháng. Ông Trump sẽ bắt đầu một cuộc đối đầu thương mại thứ hai và chúng ta nên chuẩn bị đối phó”.
Về kết quả của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Washington, giáo sư nghiên cứu quốc tế Zha Daojiong tại Đại học Bắc Kinh nhận định: “Chẳng có gì thay đổi - và đó có thể là sự đồng thuận thực sự giữa hai phái đoàn. Tuy nhiên, tuyên bố chung mang lại một sự trì hoãn quan trọng mà mỗi bên đều rất cần”. Giáo sư Zha Daojiong nói thêm rằng sẽ còn nhiều xung đột hơn về thương mại-đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo nhà báo Tom Holland – một cây viết kỳ cựu cho báo “Bưu điện Hoa Nam buối sáng” (SCMP) và có 20 năm kinh nghiệm ở châu Á, mặc dù Tổng thống Donald Trump chĩa mũi nhọn vào thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm diều hâu trong chính quyền Mỹ còn có những mối quan ngại khác.
Các doanh nhân và chính trị gia Mỹ từ lâu đã phàn nàn về cách Bắc Kinh bảo vệ thị trường nội địa, xây dựng các rào cản, trợ cấp mạnh mẽ cho các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn và yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ như một điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc. Gần đây, quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của những nhân vật cứng rắn trong đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ vốn lo ngại việc tiếp tục chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước hào phóng của Bắc Kinh có nguy cơ làm xói mòn lợi thế công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Nhà báo Tim Holland cho rằng mục tiêu của Mỹ không phải nhằm giành được các nhượng bộ thương mại, mà là thúc đẩy một sự thay đổi trong toàn bộ cách tiếp cận chính sách kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc. Do đó, Washington sẵn sàng trừng phạt các công ty Trung Quốc như Tập đoàn viễn thông ZTE, mặc dù hành động này phản tác dụng đối với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng trước việc Mỹ cấm cung cấp linh kiện điện tử cho ZTE bằng cách kêu gọi tăng cường chế tạo linh kiện nội địa và hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao khác để giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ. Bắc Kinh sẽ tăng cường chương trình thay thế nhập khẩu “Made in China 2025”, với khoản trợ cấp nhà nước khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD cho các ngành công nghệ cao, đặc biệt các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Minh Bích (theo SCMP)