Đã có đơn vị `chốt` hợp đồng với Mỹ, đem công nghệ vaccine một liều tiêm về Việt Nam

10:14 | 13/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự kiến, muộn nhất là vào cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có thể tự sản xuất vaccine một liều tiêm theo tiêu chuẩn từ Hoa Kỳ.

Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đã thông tin rằng một tập đoàn của Việt Nam đã đàm phán với nhà sản xuất Mỹ, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA, loại này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg.

Hiện, loại vaccine đã hoàn tất quá trình tiêm thử trên người giai đoạn 1 và 2. Nhiệt độ bảo quản  2 - 8 độ C, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đã thu về được tín hiệu tích cực, cho thấy vaccine cho khả năng bảo vệ cao.

Cục cũng thông tin thêm, nhà máy do doanh nghiệp đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ của nhà sản xuất, có công suất cho ra 100 - 200 triệu liều/năm, dự kiến đi vào sản xuất từ quý 4/2021 hoặc sang đầu năm 2022. 

Đã có đơn vị `chốt` hợp đồng với Mỹ, đem công nghệ vaccine một liều tiêm về Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều đơn vị triển khai nghiên cứu hoặc tìm hướng chuyển giao các công nghệ vaccine để tiêm phòng cho người dân Việt Nam.

Bộ Y tế cho biết, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đã "hỗ trợ liên hệ với công ty sản xuất vaccine của Nhật Bản". Loại vaccine được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA và đang trong quá trình thử thiệm lâm sàng trên người tại quốc gia này. Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho công ty Vabiotech được giao đàm phán với phía Nhật để nhận được quyền chuyển giao công nghệ.

Đơn vị này cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm. Dự kiến quy mô sẽ đạt 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, bước tiếp theo sẽ là chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện đang có 2 nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 được thử nghiệm lâm sàng (TNLS) trên người. Trong đó có đơn vị đã được chấp thuận TNLS giai đoạn 3 là vaccine Nano Covax thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Tp.HCM), giai đoạn đã bắt thử nghiệm từ hôm 11/6. 

Lãnh đạo Cục Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo cho biết thêm, bởi tính cấp thiết việc có sớm vaccine trong hoàn cảnh nên Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã tổ chức các cuộc họp, thảo luận kỹ và thống nhất cho phép triển khai gối đầu TNLS giai đoạn 3 vaccine Nano Covax. Nhưng, mọi quy trình vẫn phải tuân theo đúng các quy định chặt chẽ về tính khoa học, nhằm có cho ra vaccine chất lượng. 

Bên cạnh đó, vaccine Covivac đang trải qua giai đoạn nghiên cứu dưới sự tiến hành của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC). Loại vaccine này đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng tại địa bàn huyện Vũ Thư, Thái Bình. 

Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin từ Ban quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19: Tính đến thời điểm 17h chiều ngày 12/6, đã có hơn 4.800 tỷ đồng tiền đóng góp vào quỹ từ  283.169 tổ chức, cá nhân.

 H.S

Xem thêm: Doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, khó hay dễ?