Đại sứ Myanmar tại LHQ kêu gọi quốc tế cắt đầu tư vào nước này vì ưu tiên mạng sống của người dân
Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun kêu gọi quốc tế dừng các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này cho đến khi chính quyền dân sự được khôi phục. Đây là lựa chọn giữa kinh tế và mạng sống của người dân.
Tờ Nikkei Asia ngày 2/4 dẫn lời Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức ngưng tất cả các khoản đầu tư nước ngoài vào Myanmar cho đến khi khôi phục chính quyền dân sự.
“Chúng ta cần cứu mạng của những người dân vô tội, do đó chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế có các biện pháp cứng rắn tối đa nhằm ngăn chặn bạo lực và bảo vệ người dân Myanmar”, ông kêu gọi thông qua báo chí.
Trước đó, hồi cuối tháng 2, ông Moe Tun gây chấn động với bài phát biểu kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) “làm mọi cách cần thiết để khôi phục nền dân chủ” ở đất nước mình".
Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun. (Ảnh: Reuters)
Dù bị chính quyền quân sự cáo buộc tội phản quốc và đề cử người khác thay thế vị trí. Tuy nhiên, người phát ngôn của LHQ cho biết ông Moe Tun sẽ vẫn là Trưởng phái đoàn đại diện Myanmar tại tổ chức này.
Đại sứ Myanmar mong muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo, thiết lập vùng cấm bay ở Myanmar, cắt dòng tài chính cho chính quyền quân sự và ngưng mọi khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp. Ông cho hay các đề nghị này đã được gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào ngày 29/3.
Về lo ngại của một số quan sát viên quốc tế rằng các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng có thể làm tổn hại đến phúc lợi của người dân Myanmar, nhà ngoại giao chỉ ra tính cấp bách và nghiêm trọng của tình hình trong nước.
"Yêu cầu mà chúng tôi đưa ra giữ tác động ở mức tối thiểu. Nhưng đồng thời, hãy nhìn vào tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt", ông nói. Vị đại sứ Myanmar cho rằng lựa chọn hiện nay là giữa tác động kinh tế và mạng sống của người dân.
Ngoài ra, đại sứ Moe Tun còn gửi thông điệp đến nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN.
Các cuộc biểu tình phản đối chính biến tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi ở Myanmar. Ảnh: CNN
Về Trung Quốc, ông Moe Tun nhắc lại thông tin cho rằng Bắc Kinh đứng về phía chính quyền quân sự. “Do đó, tôi thấy rằng đây là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc thể hiện rằng họ đứng về phía người dân chứ không phải quân đội Myanmar”, ông nhấn mạnh.
Ông hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể nỗ lực chung với sự hỗ trợ của các nước ASEAN, dù căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa cải thiện. Ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt, bao gồm động thái đình chỉ thương mại với Myanmar mới đây. "Bất cứ hành động nào của Washington cũng sẽ là tấm gương vững chắc cho các quốc gia khác noi theo", ông cho hay.
Ông bày tỏ sự cảm kích đối với vai trò của ASEAN, nhưng cho rằng các bên phải thực tế về việc ASEAN có thể giúp được những gì trong tình hình khó khăn này.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 1/4 lên án mạnh mẽ việc hàng trăm dân thường thiệt mạng ở Myanmar, trong một tuyên bố sau 2 ngày đàm phán căng thẳng.
“Các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi nhanh chóng, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực nhằm vào những người biểu tình hòa bình và cái chết của hàng trăm dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em”, tuyên bố nhấn mạnh.
Kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra 3 tuyên bố về Myanmar. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ coi đó là một cuộc đảo chính, và cả 3 lần đều giảm quy mô của tuyên bố. Mặt khác, quan điểm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng ít có tác động đối với quân đội Myanmar.
Xem thêm: Quân đội Myanmar ra lệnh ngừng bắn 1 tháng để 'ổn định' các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số
Hà Ly