Dân chơi lan đột biến tiết lộ thủ đoạn của chủ vườn 'cuỗm' hàng trăm tỷ bỏ trốn

16:28 | 13/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều dân chơi lan đột biến cho hay, nếu đã có chủ ý lừa đảo thì chủ vườn có rất nhiều cách để ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn tương tự như sự việc của chủ vườn lan đột biến ở xã Hòa Nam.
Liên quan đến vụ chủ vườn lan đột biến ở xóm chợ Định Xuyên, xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ôm khoảng 200 tỷ đồng "đặt lúa non" của nhà đầu tư lan đột biến rồi bỏ trốn đâng gây hoang mang dư luận, nhiều thông tin cho rằng số tiền bị chủ vườn cuỗm đi có thể gấp 3-4 lần tin đồn.
 
Theo giới chơi lan đột biến, đến thời điểm này số tiền chủ vườn lan bỏ trốn đã "ôm" khoảng hơn 400 tỷ đồng và con số thậm chí có thể lên đến 700 tỷ đồng.

Bởi lẽ, phần lớn lan đột biến khách hàng đặt của chủ vườn ở xã Hòa Nam là "kei lúa non" Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Bảo Duy…. Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm. Do đó số tiền mà chủ vườn "cuỗm" đi có thể thể lên đến 700 tỷ đồng cũng không có gì ngạc nhiên.
 
Dân chơi lan đột biến tiết lộ thủ đoạn của chủ vườn 'cuỗm' hàng trăm tỷ bỏ trốn - ảnh 1
Người được cho là chủ vườn lan đột biến ở Ứng Hòa, ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn

Mặt khác, dư luận đặc biệt quan tâm tại sao chủ vườn lan có thể huy động số vốn lớn đến như vậy từ các nhà đầu tư. Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời anh Đỗ Đức Lộc (Nam Định, một người chơi lan đột biến) cho biết, nếu chủ vườn đã chủ ý lừa các nhà đầu tư thì có nhiều cách.

Thủ đoạn lừa đảo của chủ vườn thường khá đơn giản chỉ có điều khách hàng đang "say" trong cơn mê kiếm được bạc tỷ nên không nhận biết được.

Trước hết, chủ vườn vay tiền hoặc từ nguồn nào đó để có vốn nhập vào các giò lan đột biến đẹp như các thương hiệu lan nổi tiếng trên thị trường hiện nay có giá trị cao như: Bạch Tuyết, Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước...

Sau đó, chủ vườn đem số hàng gom được cho các nhà đầu tư hay "con mồi" xem cây, dùng lời lẽ quảng cáo các thông tin về cây, giá trị của cây...

Tiếp đến, chủ vườn gạ con mồi, tung hoả mù muốn bán "kie lúa non" (hình thức nhận tiền trước rồi trả hàng sau với một số giống lan quý, khan hàng). Đáng nhẽ chỉ có 1 "kie lúa non" nhưng chủ vườn bán thành 100 "kei" (thân mầm non thường mọc ra ở thân lan khi đã xuống lá) với giá rẻ hơn thị trường từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/kie. Ví dụ, cây có 20 mắt có thể cho ra 20 kei, tương đương với 20 suất (lúa non).

Chủ vườn nếu có chủ đích lừa đảo sẽ nhận số lượng không giới hạn gấp trăm hay thậm chí gấp ngàn lần số lượng "kei" thực tế. Việc này nhằm mục đích dụ nhà đầu tư thấy giá thấp hơn giá thị trường, để ồ ạt đổ tiền vào cho chủ vườn.
 
Khi nhận được tiền của nhà đầu tư, chủ vườn âm thầm chuyển nhượng cây lan đột biến gốc cho người khác để thu hồi vốn hoặc ôm theo cây gấp rồi lặng lẽ bỏ trốn. Khi các nhà đầu tư không liên lạc được mới tá hỏa thì chủ vườn đã đem theo tiền tỷ của mình mà cao chạy xa bay.

Anh Lộc nhận định, trong vụ việc ở vườn lan H. T qua tìm hiểu được biết, chủ vườn bán một loại lan với giá 140 triệu đồng/1cm, thấp hơn giá thị trường 30 triệu đồng nên đã nhanh chóng xuống tiền đặt kie lúa non. Vì vậy, ước tính số tiền mà các nhà đầu tư đổ vào vườn lan H.T rơi vào khoảng hơn 700 tỷ đồng không phải không thể xảy ra.
 
Như đã đưa tin trước đó, ngày 12/4, mạng xã hội lan truyền thông tin chủ vườn lan H.T. (ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ trốn cùng khoảng 200 tỷ đồng của người mua bán hoa.
 
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Như Tuyển, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, cho biết chính quyền xã đã nắm được thông tin vụ việc. Tuy nhiên, khi cử người xuống tận nơi xác minh thì vườn lan vẫn mở cửa bình thường. Mặt khác, chính quyền chưa nhận được bất kỳ đơn trình báo nào của người dân về sự việc trên.

Được biết, vườn lan H.T. kinh doanh hoa theo kiểu hộ gia đình và đã hoạt động được thời gian dài.
 
 
Hà Ly
 

ĐỌC NHIỀU