Đến khi nào Sầm Sơn sẽ là thành phố du lịch biển thông minh?

11:00 | 10/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng thành phố Sầm Sơn đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.

Nằm trong top 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam

Thành phố Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách Thành phố Thanh Hoá khoảng 16 km; phía Bắc giáp huyện Hoằng Hoá (ranh giới là sông Mã), phía Nam và phía Tây giáp huyện Quảng Xương (cách sông Đơ); phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Sầm Sơn có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, Sầm Sơn còn có bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh. Ngay từ thời Pháp thuộc, làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm được coi là khu nghỉ mát cho người Pháp, dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương.

Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam

Sự đan xen giữa các loại địa hình (sông, núi, biển) giữa các bãi biển với núi Trường Lệ và cảnh quan sông nước, cùng với các hồ, đầm ở Quảng Cư và những rặng thông, phi lao dọc ven biển... tạo nên sự phóng phú và đa dạng của tài nguyên du lịch trên địa bàn, là điều kiện rất thuận lợi để Sầm Sơn phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Khí hậu ở Sầm Sơn tuy có sự phân chia rõ rệt theo mùa, nhưng do có tác động điều hòa của biển nên khí hậu tương đối dễ chịu, mát vào mùa hè, ít lạnh vào mùa đông, khá phù hợp cho tắm biển, thăm quan, nghỉ dưỡng và phù hợp cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Theo đánh giá Sầm Sơn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa đông, đồng thời là thị trường tiêu dùng, mua sắm lớn cho 1,5 - 2 triệu khách du lịch vào mùa hè và khoảng 4 - 5 triệu du khách trong tương lai, tạo cơ sở để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa và các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của các vùng lân cận. 

Năm 1960, trong lần về thăm Sầm Sơn, Bác Hồ căn dặn cán bộ, Nhân dân Sầm Sơn là: "Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế, phát triển du lịch mà thu lấy tiền". Những năm qua, Sầm Sơn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, từ địa điểm du lịch tai tiếng vì “chặt chém” giá dịch vụ đối với khách du lịch, thì nay Sầm Sơn được du khách biết đến là một thành phố du lịch văn minh, lịch sự.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC tại Sầm Sơn

Nhờ cuộc “cách mạng” trên nên giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 17,8%, vượt 1,3% chỉ tiêu ĐH đề ra. Du lịch tiếp tục giữ vững vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Nhiều dự án lớn phát triển hạ tầng, tạo điểm nhấn về cảnh quan du lịch như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC, không gian bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương... Du lịch được phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến du lịch cơ bản được khắc phục. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển giai đoạn 2015-2020 ước đạt 20.640 tỷ đồng, tăng 2,06 lần so với chỉ tiêu ĐH. Trong giai đoạn 2016-2020 đón 22,53 triệu lượt khách, doanh thu đạt 19.212 tỷ đồng, gấp 2,78 lần giai đoạn 2011-2015. Năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Phấn đấu trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia

Theo Dự thảo Đề án xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, trọng tâm là hệ thống du lịch cao cấp phát triển đa dạng, hài hòa; nền nông nghiệp sạch, khai thác hải sản xa bờ, chế biến và hậu cần nghề cá ứng dụng công nghệ cao phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ở tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa.

Đến năm 2030, Sầm Sơn sẽ trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện. Đến năm 2045, trở thành đô thị loại I, là đô thị chuyên ngành về du lịch, vui chơi giải trí thuộc tốp đầu cả nước dựa trên nền tảng hệ thống dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, có hệ thống hạ tầng thông minh, hiện đại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, là đơn vị phát triển toàn diện của cả tỉnh Thanh Hóa.

Tập đoàn Sun Group  đã khởi công "siêu dự án" quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở Sầm Sơn, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1 tỉ USD.

Trong đề án này, tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18% trở lên, thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao tăng bình quân hằng năm trên 15%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm tử 1% trở lên… Giai đoạn 2026 - 2030 tốc độ tăng giá trị sản xuất hằng năm đạt 20% trở lên.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị, phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh.