Đến năm 2025: Sẽ đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính điện tử

09:17 | 04/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là định hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong chiến lược chuyển đổi số của ngành tài chính từ nay đến năm 2025 được TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính đưa ra tại Hội thảo “Hành trình Hội nhập CMCN 4.0 và Chuyển đổi Chính phủ số với ngành tài chính”, chiều 3/7, tại Hà Nội.

Đến năm 2025: Sẽ đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính điện tử - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo “Hành trình Hội nhập CMCN 4.0 và Chuyển đổi Chính phủ số với ngành Tài chính”. Ảnh: DNVN/Minh Hoa)
 Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, trong giai đoạn vừa qua, theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính trong ngành.

Đó là việc hình thành và triển khai có hiệu quả một số hệ thống thông tin lớn, hiện đại, có tính đột phá trong lĩnh vực quản lý tài chính như: Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính, hệ thống Đăng ký tài sản nhà nước; hệ thống Thông tin Quản lý nợ (DMFAS); hệ thống Hải quan điện tử và thực hiện cơ chế quản lý Hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa Hải quan, hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân, hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS).

Bộ Tài chính cũng đã triển khai cung cấp trên hệ thống cổng thông tin điện tử ngành tài chính 960 thủ tục, trong đó, 92 thủ tục hành chính được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 284 thủ tục hành chính được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 trong lĩnh vực kỹ thuật số gồm: Công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) và công nghệ điện toán đám mây (Cloud).

Với mục tiêu chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Nghị quyết số 02 ngày 09/3/2018, ngành tài chính quyết tâm từ nay đến năm 2025, hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số.

Đến năm 2025: Sẽ đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính điện tử - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
 Bộ Tài chính sẽ thực hiện mục tiêu này qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020), Bộ Tài chính sẽ hoàn thành việc xây dựng tài chính điện tử thông qua 8 nội dung.

Đó là triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính trên cơ sở tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin trong ngành tài chính;          

Triển khai đám mây ngành tài chính ở mức hạ tầng và sử dụng đám mây chung đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện;

Xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, dịch vụ ngành tài chính đảm bảo thông suốt và gắn kết giữa các hệ thống trong và ngoài ngành (của Chính phủ, của các bộ, ngành và các tổ chức khác);

Xây dựng hệ thống Quản lý định danh thống nhất, tích hợp với các hệ thống quản lý định danh hiện có của các đơn vị;

Xây dựng Cổng giao tiếp ngành tài chính, tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ  và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp;

Tăng cường xây dựng, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ dữ liệu theo nhu cầu cá nhân hóa qua nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là qua các thiết bị di động, công nghệ đám mây;

Tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn thông tin ngành tài chính, kiện toàn các hệ thống an ninh thông tin theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp quy định của ngành Tài chính;

Rà soát kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 của ngành tài chính và các đơn vị trong ngành phù hợp với Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Trong giai đoạn 2 (từ 2020 đến 2025), ngành tài chính sẽ hoàn thành mục tiêu thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở, với 6 nội dung trọng điểm, bao gồm:

Triển khai Kiến trúc Chính phủ số ngành tài chính và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương;

Xây dựng các văn phòng điện tử, hình thành môi trường làm việc tích hợp, liên thông, cộng tác và chia sẻ thông tin thông minh trong toàn ngành hướng tới văn phòng điện tử không giấy tờ, triển khai công việc mọi lúc, mọi nơi;

Hoàn thiện dự thảo quy chế quản lý, khai thác, sử dụng đám mây ngành tài chính. Tiếp tục triển khai nâng cấp hạ tầng đám mây ngành tài chính. Kiện toàn, bổ sung các giải pháp về an toàn, bảo mật cho đám mây ngành tài chính. Xây dựng phương án chuyển ứng dụng lên MoF Cloud;

Tích hợp hệ thống quản lý định danh thống nhất với ứng dụng, làm cơ sở cho việc phân quyền khai thác dữ liệu;

Khai thác, sử dụng các dịch vụ tài chính công mới được xây dựng bởi bên thứ 3 (các công ty fintech) trên dữ liệu tài chính mở của ngành Tài chính;

Thí điểm ứng dụng công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành tài chính.

Quyết tâm thực thi hiệu quả 2 giai đoạn trên, TS. Nguyễn Việt Hùng tin tưởng: “Ngành tài chính sẽ đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.