Di cư ồ ạt tránh dịch: Chuyên gia y tế nói gì?

18:35 | 01/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng nghìn người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam đi xe máy về miền trung để tránh dịch. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu việc này nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh.

'Ai ở đâu ở yên đấy'

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về phòng, chống dịch COVID-19 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong công điện của Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy".

Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Di cư ồ ạt tránh dịch: Chuyên gia y tế nói gì? - ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Trả lời trên Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho rằng yêu cầu này xuất phát từ thực tế nhiều người đi xe máy về quê tránh dịch tự phát, không được kiểm soát tốt, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo ông Phu 1 số địa phương đã phát hiện một số trường hợp dương tính với COVID-19 trong số những người về quê tránh dịch. Ông cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ tạo sự lây lan giữa những người cùng đi với nhau và lây lan dịch ra nhiều tỉnh, thành phố.

Ông Phu nhận định trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Trong lúc này cần phải làm nghiêm như thế, các nơi đã phong tỏa bắt buộc thực hiện nghiêm để kiểm soát tình hình.

Nói về lo ngại số lượng lớn lao động ở lại TP.HCM sẽ gây áp lực cho địa phương, ông Phu cho rằng hoàn cảnh hiện tại bắt buộc phải cân đối giữa vấn đề trên và mục đích phòng bệnh chung cho cả cộng đồng. Nhắc lại việc người dân tự do di chuyển về các địa bàn, chuyên gia cho rằng nếu không tổ chức tốt thì bắt buộc phải siết lại vì nguy cơ dịch bệnh rất cao.

Ông Phu cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã tính toán, cân nhắc kỹ việc này và nhận thấy, việc người dân ở lại địa bàn cư trú, không tự do di chuyển sẽ tốt hơn cho nhiệm vụ phòng chống dịch.

Theo ông Phu, vấn đề quan trọng nhất khi đưa ra yêu cầu này là phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Có những nơi giãn cách 14 ngày, thậm chí 28 ngày nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang giãn cách phải tổ chức hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Cùng với đó, địa phương phải hỗ trợ y tế cần thiết cho người dân, đặc biệt là người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, ông Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng, việc người dân rời TP.HCM về quê có thể giúp giảm quá tải cho TP.HCM và người lao động cũng giảm áp lực về tiền thuê trọ, ăn uống hàng ngày. Nhưng việc di chuyển từ một địa bàn dịch đang rất phức tạp về những nơi khác cũng có những nguy cơ, rủi ro nhất định.

Theo ông Nhưỡng nếu muốn người dân “ai ở đâu ở đấy”, chính quyền phải đảm bảo cho họ nhu cầu tối thiểu về ăn ở, sinh hoạt, không để người dân rơi vào tình trạng đi về không được, ở lại cũng không xong.

TP.HCM sẽ tiêm vaccine cho bà con ngoại tỉnh

Trả lời báo chí sáng ngày 1/8, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu người dân tại khu vực áp dụng chỉ thị 16 được yêu cầu "ai ở đâu ở đấy", tuyệt đối không di chuyển khỏi nơi cư trú, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ tiêm vaccine cho bà con để bà con nếu có về quê cũng đỡ áp lực hơn cho địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Ông Mãi chia sẻ người dân ở lại sẽ có những khó khăn hơn điều kiện bình thường, nhưng ông kêu gọi người dân thông cảm, chia sẻ cùng TP chống dịch, nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Di cư ồ ạt tránh dịch: Chuyên gia y tế nói gì? - ảnh 2

Đồng thời ông Mãi cũng cho hay chỉ đạo "ai ở đâu ở đấy" của Thủ tướng chỉ trong 14 ngày, nhưng TP.HCM đã và đang vận động các nguồn lực để chăm lo cho bà con trong thời gian ở một tháng.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định, thành phố luôn luôn vận động mọi nguồn lực chăm lo lương thực, thực phẩm, vaccine cho bà con, không để bà con bị thiếu thốn. Mong bà con thấu hiểu, đồng hành cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Về tình hình tiêm vaccine, TP.HCM đã tiêm hơn 104.000 liều trong ngày 31/7, nâng tổng số người được tiêm chủng trong đợt 5 lên 622.000 lượt.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm 930.000 liều vaccine được phân bổ ở đợt 5, hoàn thành tối đa trong 2 tuần, để tiếp tục thực hiện các đợt tiêm chủng tiếp theo, nhằm đạt mục tiêu trong tháng 8 tiêm chủng cho 2/3 dân số TP.HCM trên 18 tuổi.

Hôm nay (ngày 1/8), TP.HCM cũng ban hành kế hoạch mới để tăng tốc độ tiêm chủng, hướng đến mốc 150.000 liều vaccine/ngày. Quy trình tiêm chủng đã được ngành y tế đơn giản hoá, cắt bỏ nhiều thủ tục.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, TP.HCM đã tiêm được 1,5 triệu liều vaccine. Khoảng 1,3 triệu người đã được tiêm một mũi, gần 75.000 người tiêm đủ 2 liều.

Trong ngày 31/7, TP.HCM đã nhận được một triệu liều vaccine Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều do Sapharco đặt mua.

H.A

Xem thêm: Hà Nội cần phải “chạy” nhanh hơn COVID-19