Dịch vụ cầm đồ phát triển mạnh thành chuỗi, được quỹ nước ngoài rót vốn
Chuỗi cầm đồ Vietmoney vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures.
Tại thị trường Việt Nam, phân khúc cầm đồ được đánh giá có tiềm năng và ít doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
Theo Người Lao Động, chuỗi cầm đồ Vietmoney vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Theo đó, Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia HĐQT. Giá trị rót vốn chưa được công bố.
Vietmoney vừa gọi vốn từ 2 quỹ đầu tư. Ảnh: Vietmoney
Chuỗi cầm đồ Vietmoney được thành lập từ năm 2016, hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline), hiện có 16 chi nhánh hoạt động tại TP HCM, phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên.
Ông Trịnh Văn Phương, Tổng Giám đốc Vietmoney, cho biết nguồn vốn đầu tư lần này sẽ giúp DN đẩy nhanh tốc độ phát triển trong lĩnh vực vốn còn nhiều định kiến tại Việt Nam. Khoản đầu tư lần này mang tính chiến lược.
"Kinh nghiệm của Probus đầu tư vào chuỗi cầm đồ Srisawad ở Thái Lan hay Digi Ventures trong vấn đề quản trị sẽ hỗ trợ nhiều cho Vietmoney để tối ưu hóa mô hình hoạt động và tiếp cận khách hàng tốt hơn", ông Phương kỳ vọng.
Theo nguồn tin này, Vietmoney đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh tại 28 tỉnh, thành cả nước trong thời gian tới với tham vọng xây dựng một kênh tài chính tiện lợi và bảo đảm cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam. Mục tiêu kế hoạch năm nay đạt giải ngân lũy kế 1.000 tỷ đồng.
Quỹ đầu tư Probus Opportunities thuộc Probus Group, có trụ sở tại Thụy Sỹ, là nhà đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết tại các thị trường mới nổi với quan điểm đầu tư nắm giữ.
Probus Opportunities đã có hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam với danh mục đầu tư gồm một số doanh nghiệp đã niêm yết như: Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT), Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld – Mã CK: DGW)… Đối với lĩnh vực cầm đồ Probus hiện đang là cổ đông lớn của Chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan.
Digi Ventures có trụ sở tại TP HCM và hiện đang đầu tư mở rộng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn tư nhân đang trong giai đoạn bắt đầu tăng trưởng thuộc các lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và mô hình kinh doanh đã chứng minh được tính khả thi và hiệu quả bằng số liệu.
Trước khi nhận khoản đầu tư từ 2 quỹ trên, vào năm 2018, Vietmoney có ký thỏa thuận đầu tư với Indochine Investment để mở rộng mô hình kinh doanh. Với thỏa thuận đầu tư này, Indochine Investment sẽ hỗ trợ Vietmoney mở rộng thị trường, xây dựng đối tác, nền tảng quản trị và nghiên cứu các sản phẩm mở rộng.
Trước Vietmoney, một chuỗi cầm đồ khác của Việt Nam là F88 cũng nhận được dòng vốn đầu tư từ 2 quỹ ngoại là Mekong Capital và Granite Oak.
Thông tin trên Thanh Niên thể hiện, ngoài nhận được nguồn vốn đầu tư từ 2 quỹ trên, thời gian qua F88 đã thực hiện phát hành trái phiếu huy động 200 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh cầm đồ. Hệ thống chuỗi cầm đồ F88 thực hiện cho vay cầm cố xe, triển khai các dịch vụ như nạp, thanh toán tiền điện nước, mua bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ và nạp tiền vào ví điện tử.
Đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về quy mô thị trường cầm đồ, nhưng ước tính có đến hàng chục ngàn cửa hàng cầm đồ quy mô nhỏ lẻ khắp cả nước.
Trong bối cảnh thị trường có tính phân mảnh cao, một vài chuỗi cầm đồ nội địa liên tục nhận được đầu tư của các quỹ nội, quỹ ngoại, hoặc chính các nhà đầu tư ngoại thiết lập chuỗi cầm đồ mang thương hiệu riêng.
Cầm đồ là dịch vụ ra đời, phát triển từ hàng nghìn năm và tồn tại cho tới ngày nay tại nhiều nước trên thế giới dưới hình thức cho vay cầm cố tài sản.
Đặc trưng của cho vay cầm đồ là phần lớn các khoản vay được xếp vào dạng “vay nóng” (giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, giải ngân nhanh). Vì vậy, với thủ tục cho vay và mức chi phí quản lý khoản vay cho phép hiện tại của mình, các tổ chức tín dụng (TCTD) không muốn và khó tiếp cận thị phần tín dụng này.
Một cách tổng thể, thị trường tín dụng chính thức đang thiếu hụt nguồn cung các khoản vay quy mô nhỏ với yêu cầu giải ngân tức thì của người dân. Cho nên trên góc độ cung cầu tín dụng thì hoạt động cho vay cầm đồ vẫn cần thiết để lấp thiếu hụt đó.
Tuy vậy, hoạt động cho vay cầm đồ hiện nay đang xuất hiện sự biến tướng gây mất an ninh trật tự xã hội.
Cầm đồ được coi là dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng muốn mở tiệm cầm đồ không khó khăn, luật pháp chưa đủ chế tài kiểm soát.
Ngày 17/6 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư năm 2020, trong đó quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và vẫn quy định dịch vụ cầm đồ thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.
Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm do hoạt động gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm về an ninh, trật tự và an toàn xã hội, khó điều chỉnh bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Dư luận cũng đang đặt ra đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu không cho phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ, vì biến tướng ngày càng nguy hiểm của dịch vụ này. Tuy nhiên, “khai tử” hay chưa nên “khai tử” dịch vụ cầm đồ là vấn đề cần phân tích một cách đa chiều chứ không phải không quản được thì cấm.
Vấn đề là Nhà nước đưa ra quy định quản lý và điều hành ra sao để khống chế biến tướng tiêu cực của cho vay cầm đồ mà thôi. Cũng cần lưu ý, ngay cả tín dụng tiêu dùng chính thức nếu quy định pháp luật điều chỉnh còn lỗ hổng và giám sát chưa đủ chặt của cơ quan giám sát NHNN thì hoạt động thị trường tín dụng này vẫn biến tướng tiêu cực không kém.