Điểm mặt những mô hình nhà chống lũ hiệu quả trên thế giới
Để chống chọi với thiên tai bão lũ, các đơn vị kiến trúc tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, và ngay cả Việt Nam đã thiết kế vô số mô hình nhà chống lũ hiệu quả, hữu ích.
Bão lũ, ngập lụt là những thảm họa thiên tai gây ra nhiều thiệt hại con người và tài sản, do đó nhiều quốc gia trên thế giới rất chú tâm vào vấn đề phòng tránh và khắc phục hậu quả. Trong bối cảnh đó, các dự án nhà chống lũ ra đời như một cách để đối phó với mưa lũ, ngập lụt, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Các đơn vị kiến trúc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Hà Lan,... và ngay cả Việt Nam đã cho ra đời nhiều mô hình nhà chống lũ.
Nhà tre chống lũ tại Việt Nam
Bên cạnh dự án 'Nhà chống lũ' của nữ doanh nhân Phạm Thị Hương Giang (tức Jang Kều), Việt Nam cũng đã có thiết kế nhà tre chống lũ gặt hái nhiều giải thưởng danh giá. Công trình nhà tre chống lũ tại Việt Nam là sản phẩm của hai kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương (cựu sinh viên K97, ĐH Kiến trúc Hà Nội). Được thiết kế bởi H&P Architects, thiết kế này từng lọt Top 10 thiết kế tre sáng tạo nhất thế giới của Designboom, Giải thưởng quốc tế IAA vào năm 2014 do Viện Kiến trúc và thiết kế Chicago (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc nghệ thuật Châu Âu tổ chức.
Những căn nhà tre chống lũ này có thể xây dựng trong khoảng 25 ngày, chỉ bằng cách lắp dựng đơn giản như dùng chốt, buộc, treo gác với mức chi phí khoảng 60 triệu đồng. Căn nhà được thiết kế bằng những thanh tre với đường kính khoảng 8-10cm và 4-5cm, dài 3,3m và 6,66m. Đáng chú ý, không gian trong nhà có thể dùng để làm nhà ở hoặc nơi dạy học, trạm y tế,... tùy điều kiện cụ thể và có thể mở rộng nếu cần thiết. Ban đầu, nhà tre chống lũ có thể chịu được mực nước lũ cao 1,5m tuy nhiên các kiến trúc sư của dự án này đang nghiên cứu để phát triển mô hình chịu lũ cao 3m.
Nhà lưỡng cư (Amphibious House)
Nằm bên bờ sông Thames tại thị trấn Buckinghamshire (Anh), ngôi nhà lưỡng cư hiện đại này được cho là nhà nổi đầu tiên tại nước này với khả năng nổi lên tới 2,5m. Amphibious House là một căn nhà chống lũ với tầm nhìn đẹp mê hồn cùng thiết kế sang trọng, tinh tế, nội thất hiện đại, thanh lịch.
Các kiến trúc sư đã thiết kế căn nhà này với phần móng riêng biệt, tách rời với phần thân nhà. Nhờ đó, căn nhà lưỡng cư này có thể nổi lên dễ dàng khi nước tràn vào đầy khoang chứa.
Nhà nổi Float của Morphosis
Nhà nổi Float được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư tại Morphosis (Mỹ), là sản phẩm chống lũ độc đáo cho quỹ Make It Right của nam tài tử điển trai Hollywood Brad Pitt cùng sự hợp tác của các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học California, LA.
Ngôi nhà chống lũ này có mức giá hợp lý, được dựng trên bộ khuôn đúc sẵn với nguyên liệu là bọt polystyrene phủ bê tông cốt sợi thủy tinh. Nhờ kết cấu này, ngôi nhà có thể hoạt động như một chiếc bè, có thể nổi lên gần 4m và được cố định cột nhà. Được biết, quỹ Make It Right đã xây dựng được 150 ngôi nhà cho các gia đình chịu ảnh hưởng của cơn bão Katrina vào năm 2005 với giá phải chăng và vẫn đủ khả năng chống chịu bão lũ.
Nhà nổi tại Hà Lan
Hà Lan từ lâu đã là một quốc gia nổi tiếng với những công trình kiến trúc nhà chống lũ trên địa hình trũng. Chẳng hạn như mô hình nhà nổi tại khu vực gần sông Maas do công ty kiến trúc Waterstudio và Dura Vermeer hoàn thiện đã gây dấu ấn sâu đậm trong làng thiết kế.
Các căn nhà nổi này được gắn vào các trụ neo linh hoạt, nằm trên nền bê tông với các dây buộc vào trụ neo để hạn chế chuyển động. Khi mực nước sông dâng cao, các căn nhà này có thể dễ dàng nổi lên và ngược lại, có thể hạ xuống nhẹ nhàng khi nước rút.
Kết cấu của các căn nhà này đều tượng tự nhau với một sà lan bê tông nặng 72 tấn cùng kết cấu khung gỗ tương đối nhẹ bên trên. Ngoài ra còn có các sà lan cao khoảng 2m, cho phép căn nhà có thể nổi lên trên khoảng 5,5m.
Container nổi tại Pakistan
Năm 2010 tại Pakistan đã xảy ra một đợt mưa bão lớn gây ra các trận lũ lụt khiến khoảng 1/5 diện tích quốc gia này chìm trong biển nước, 20 triệu người đã bị thương và chịu cảnh mất nhà ở. Nhằm cứu trợ những người gặp nạn, Green Container International Aid đã thiết kế mô hình container nổi làm nơi ở.
Các container này có hệ thống nâng tủy lực để giúp các tòa nhà nâng cao 800mm so với mặt đất. Căn nhà được thiết kế với kệ gỗ kê hàng và săm lốp bên trong để có thể tách khỏi mặt đất, nổi trên mặt nước tối đa là 2,5m. Chủ nhà cũng có thể di chuyển ngôi nhà tới địa điểm khác thông qua điều khiển từ xa.
Linh Chi (t/h)