Diễn biễn ba dòng vốn chính vào bất động sản nửa đầu năm 2024

Hà Lê 15:25 | 26/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vốn dụng tín ngân hàng và vốn ngoại vào bất động sản đã tích cực hơn trong khi dòng vốn từ kênh trái phiếu vẫn chưa khởi sắc.

Thị trường bất động sản nửa đầu năm đã chuyển biến tích cực hơn. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.

Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5 đạt hơn 14 triệu tỷ, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên chứng kiến dư nợ lĩnh vực bất động sản vượt mốc 3 triệu tỷ đồng và đồng thời là mức cao kỷ lục.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,811 triệu tỷ đồng, tăng 20.600 tỷ và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,2 triệu tỷ, tăng khoảng 112.700 tỷ đồng.

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp).

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp).

Với nguồn vốn trái phiếu, trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán MB (MBS Reseach) cho biết tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng giá trị phát hành của ngành bất động sản đạt 32.600 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 47.500 tỷ đồng). Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup  (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa khởi sắc.

 

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

MBS Research ước tính có khoảng hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm bất động sản với giá trị lên đến hơn 61.900 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn.

Với dòng vốn ngoại, theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/06/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: Bộ KH&ĐT, H.L tổng hợp).

Vốn đăng ký cấp mới có 1.538 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt hơn 9.5 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng gần 47% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, gấp 4,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Có 592 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm gần 4 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI  đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, gấp 3,4 lần cùng kỳ và chiếm gần 15% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 480,3 triệu USD, chiếm 28%.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm hơn 9% tổng vốn FDI thực hiện.