Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019: Cơ hội để hiến kế giải pháp phát triển kinh tế

08:35 | 24/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sẽ dành thời lượng lớn cho đối thoại công - tư trong các phiên và đặc biệt dành không gian cho khu vực tư nhân hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019: Cơ hội để hiến kế giải pháp phát triển kinh tế - ảnh 1
Triển khai Quy chế phối hợp công tác của Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ (thông báo tại Công văn số 2447-VPCP-KSTT ngày 27/3/2019 của Văn phòng Chính phủ), Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vào ngày 2-3/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

3 mục tiêu lớn

Diễn đàn được tổ chức nhằm hướng tới 03 mục tiêu lớn: (1). Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 03 tháng 10 năm 2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; (2) Quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc; (3) Tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức và doanh nhân tư nhân trong cả nước được đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Diễn đàn có sự phối hợp về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các cơ quan liên quan.

Phiên toàn thể của Diễn đàn diễn ra vào buổi chiều ngày 2/5/2019 do Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì và có sự tham dự của gần 2500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Nội dung phiên toàn thể bao gồm: Phần khai mạc mở đầu với phát biểu của Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, clip phóng sự “Kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân” do Ban Tổ chức và VTV1 thực hiện; phát biểu của Thủ tướng Chính phủ; Phần 1: “Khu vực tư nhân hiến kế cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ” dưới sự điều phối của Đồng chí Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Chủ tịch FPT; và Phần 2: “Đối thoại tháo gỡ các rào cản, nút thắt để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” dưới sự điều phối của Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Đặc biệt, trước thềm Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ triển khai thu thập, lấy ý kiến của khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu trong cả nước kết hợp với báo cáo của các bộ, ngành và báo cáo chuyên đề sau các kì Diễn đàn đối thoại công - tư do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) tổ chức với sự chủ trì và chỉ đạo của các Lãnh đạo Chính phủ để xây dựng Báo cáo về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 Khóa XII. Trên cơ sở báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổng hợp, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp thành các nhóm vấn đề lớn để chuyển các bộ, ngành xem xét, có ý kiến trả lời. Một số nội dung quan trọng sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sau đó đồng chí Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ đạo giải quyết ngay tại Diễn đàn.

07 Phiên hội thảo chuyên đề/ toạ đàm của Diễn đàn sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 2/5/2019 bao gồm:

Hội thảo chuyên đề 1: Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam

Hội thảo chuyên đề 2: Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Hội thảo chuyên đề 3: Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá

Hội thảo chuyên đề 4: Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội

Hội thảo chuyên đề 5: Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế

Hội thảo chuyên đề 6: Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các khuyến nghị

Toạ đàm: Nữ doanh nhân và khát vọng “vì một Việt Nam hùng cường”

Hội DNTNVN đã kiến nghị cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển

Trước thềm Diễn đàn, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định: Khu vực kinh tế tư nhân đã được Đảng và Nhà nước rất coi trọng và xem đây là khu vực động lực chính để phát triển kinh tế đất nước.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019: Cơ hội để hiến kế giải pháp phát triển kinh tế - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN 
Theo đó, về khía cạnh vĩ mô, về mặt thể chế và chính sách cho thấy là kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đều được xem trọng như nhau, thậm chí kinh tế tư nhân đã được xem là bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng mạnh mẽ sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia trong thời gian tới.

Nhằm giúp DNTN phát triển hơn nữa trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,…) để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế; Hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình kế hoạch hành động cụ thể trong việc khuyến khích, hỗ trợ các nhóm lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nhân tư nhân cả về số lượng và chất lượng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Thường xuyên cập nhật và truyền thông các thành tựu phát triển kinh tế tư nhân đạt được, phát huy những mặt tích cực và phòng ngừa, hạn chế tiêu cực.