Doanh nghiệp đứng đâu trong hợp tác công-tư lĩnh vực nông nghiệp?
Tại Cuộc họp, ông Reginal Lee, Giám đốc tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) chia sẻ về nhân tố dẫn đến thành công của Nhóm công tác PPP khu vực châu Á là các thành viên với nhiều ý tưởng xây dựng ngày càng nhân rộng. Họ được gặp gỡ, trao đổi và được đối thoại với chính phủ. Và quan trọng hơn, chính phủ đã lắng nghe họ và phản hồi nhanh các kiến nghị mà họ đề xuất.
Liên hệ thực tế tại Việt Nam, Ban Thư ký PSAV khẳng định PSAV đã thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác là doanh nghiệp lớn. Chỉ tính riêng trong chuỗi cà phê, các đối tác tham dự có thể kể tới là Công ty Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM. Sự tham dự của các doanh nghiệp lớn đã thu hút được trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000 ha cà phê. Đây có thể xem là một kết quả đáng ghi nhận của doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy mô hình kết nối doanh nghiệp với nhà quản lý và người nông dân.
Theo bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Công ty Nestlé Việt Nam, năm 2016, Nhóm công tác PPP của ngành cà phê đã tập trung vào triển khai các mô hình mẫu. Từ năm 2017, Nhóm đã chuyển đổi mô hình theo liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam với tham vọng biến Việt Nam là điểm tham chiếu của thế giới về cà phê robusta toàn cầu. Nhóm đã xây dựng các mô hình để liên kết nông dân trong một vùng hoặc khu vực với nhau.
"Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành hàng cà phê sẽ tập trung vào 3 nội dung chính. Đó là liên kết các dự án phát triển để giải quyết các vấn đề của ngành; chuyên nghiệp hóa quy trình chia sẻ và chuyển giao kiến thức thực địa; ứng dụng kỹ thuật trong truyền thông và kết nối," bà Lê Thị Hoài Thương cho biết.
Vai trò kết nối của doanh nghiệp trong ngành hàng rau quả cũng bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: PSAV đã kết nối doanh nghiệp cùng hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để giúp các hộ sản xuất nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng (miền Nam), Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội (miền Bắc).
Đáng chú ý, mô hình sản xuất khoai tây do Công ty Pepsico Việt Nam thực hiện đã tạo năng suất từ 7-8 tấn/ha năm 2007 lên 22 tấn/ha năm 2017. Hai giống khoai tây FL2215 và Fl2007 của PepsiCo đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất. Diện tích dự án trông khoai tây mới đã lên tới 455 ha năm 2017, trong khi, năm 2010 con số này là 55 ha. Hiện có 580 hộ nông dân được Pepsico Việt Nam hỗ trợ hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, trong ngành hàng thủy sản, nhóm công tác PPP đã kết nối với các doanh nghiệp và các thành viên khác, tiến hành rà soát, điều chỉnh hoạt động của nhóm và đề ra các nội dung hoạt động trọng điểm; thúc đẩy đối ngoại ngành nhằm xác định những thách thức và giải pháp cho ngành thủy sản thời gian tới.
Nhóm công tác PPP trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp cũng đã phối hợp với Nhóm ngành hàng chè để kiểm soát đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thông qua mô hình Agri-team; xây dựng phần mềm di động giúp tra cứu thông tin về các sản phẩm hóa chất nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu quốc gia và tổ chức tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Qua đó, toàn bộ 12 doanh nghiệp chè đáp ứng yêu cầu về mức độ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho thị trường Đài Loan, châu Âu và châu Mỹ.
Doanh nghiệp vẫn phải tự liên kết với nông dân
Đây chính là điểm tồn tại trong hoạt động của Nhóm công tác PPP lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Cuộc họp thường niên, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Qua quá trình triển khai hoạt động của PSAV, hiện chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp vẫn phải tự đi tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân”.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc ngành hàng chè và hồ tiêu gặp khó.
Nhấn mạnh về sự “xáo động” của ngành chè do tác động của việc thay đổi tỉ giá hiện nay, bà Nguyễn Ánh Hồng, Phó Chủ tịch/Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết: “Hơn một tháng nay bán chè rất khó do đồng USD quá cao, đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. Bán chè chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân".
Chưa kể tới việc một số doanh nghiệp đứng tên là doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại đưa thương lái Trung Quốc mua với giá cao hơn 50% so với giá doanh nghiệp trong nước; chính sách thuế VAT áp lên chè xuất khẩu gây trở ngại lớn đối với ngành chè.
“Cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ cấu và vai trò của các Nhóm công tác PPP các ngành hàng. Phải có cơ chế quản lý tốt và đặc biệt, chính phủ cần lắng nghe và hành động nhiều hơn cho ngành nông nghiệp”, bà Marion Martinez, Giám đốc điều hành Công ty Yara Việt Nam khuyến nghị.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng đề xuất cần huy động thêm doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, đặc biệt các đối tác liên quan tới sản xuất và chế biến trái cây, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao như Central Group, Đồng Giao, Tập đoàn TH, Lavifood, FineFruit… để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Khẳng định của đại diện PSAV được xem là một tin vui cho các đại biểu tham dự Cuộc họp thường niên: Nhóm công tác PPP sẽ kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với một số địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách, thể chế để thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới.