Doanh nghiệp khai thiếu doanh thu, ngân sách 'suýt' mất hàng chục nghìn tỷ
Báo cáo kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước đã xác định các doanh nghiệp được kiểm toán phải tăng nộp ngân sách Nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng. Trong khi đó, qua thanh tra gần 112.000 cuộc, ngành Tài chính cũng đã kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 22.500 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 37. 600 tỷ đồng...
Bộ Tài chính cho biết, đang khá “đau đầu” với tình trạng kê khai thiếu doanh thu nộp thuế của các doanh nghiệp.
Ngân sách “suýt” mất hàng chục nghìn tỷ
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước cho biết, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng…
Đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan Thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp được đối chiếu thuế.
Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, cơ bản khi thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị đều có tình trạng kê khai thiếu doanh thu nộp thuế. “Điều này khá đau đầu với cơ quan thuế, hải quan”, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết.
Về nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng này, theo ông Võ Thành Hưng, là do những năm gần đây, ngành thuế, hải quan chuyển cơ chế quản lý thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dẫn đến các doanh nghiệp thường xuyên kê khai thiếu doanh thu.
“Nếu như trước đây, các doanh nghiệp kê khai, sau đó cơ quan thuế kiểm tra kê khai đó xem đúng hay sai để xác định số tiền nộp thuế thì nay doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Tất cả có thể thực hiện qua hệ thống điện tử, người nộp thuế không tiếp xúc cơ quan thuế nữa. Nhiệm vụ của cơ quan thuế là hậu kiểm, trên cơ sở phân tích rủi ro để thanh kiểm tra” – ông Võ Thành Hưng nói.
Về công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách thuế của doanh nghiệp, ông Trần Huy Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành đang áp dụng cơ chế quản lý rủi ro để phân loại người nộp thuế. Theo đó, cơ quan quản lý thuế sẽ thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế... Qua đó, lựa chọn những doanh nghiệp có độ rủi ro về thuế cao để tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Cũng theo ông Trường, số liệu tính đến tháng 2/2018, cả nước có khoảng 505.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể những người nộp thuế khác như hộ kinh doanh cá thể, người nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, nếu không áp dụng cơ chế quản lý rủi ro sẽ rất khó trong công tác quản lý thuế.
Còn theo ông Võ Thành Hưng, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phối hợp tốt thì ngân sách sẽ có thêm nguồn thu lớn.
“Bộ Tài chính rất chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra. Trong năm qua, ngành tài chính thực hiện hơn 112.000 cuộc thanh tra, trong đó, riêng cơ quan thuế thực hiện khoảng trên 103.000 cuộc. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Nếu các cơ quan này cũng làm tốt thì ngân sách Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu lớn”, ông Hưng cho hay.
Theo anninhthudo.vn