Doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ với biện pháp phòng vệ thương mại

20:00 | 20/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Phòng vệ thương mại đang được xem là công cụ kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, thế nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số này, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%).

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, ít kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Vì thế, khi bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất thời gian, tốn kém chi phí theo kiện, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.

Đánh giá về xu thế phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua đang diễn ra 2 xu thế trái ngược nhau, một mặt nhiều quốc gia đẩy mạnh tự do hoá thương mại thông qua thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương trong bối cảnh vòng đàm phán Doha rơi vào bế tắc. Mặt khác, một số quốc gia có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng hộ thương mại, đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo ông Thắng, việc vừa tự do hoá thương mại vừa sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được coi là phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo hộ thị trường nội địa là điểm nhấn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, công cụ phòng vệ thương mại mà WTO và các FTA cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Số liệu của WTO cho thấy, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó có 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ. Số biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra này chưa tính tới biện pháp chống lẩn tránh chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp, chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này.

Doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ với biện pháp phòng vệ thương mại - ảnh 1
 Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến phòng vệ thương mại. 

Trước tình hình đó, theo ông Chu Thắng Trung, thời gian qua Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Làm rõ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại) chia sẻ: Điều đáng lo hiện nay là bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, từ nông, thuỷ sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, các mặt hàng chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép...

Cũng theo bà Nguyễn Hằng Nga, các vụ kiện phòng vệ thương mại phát sinh nhiều xu hướng mới như: Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng kiện theo); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật cho các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để giúp họ nắm vững, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả; đồng thời có chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường.

Cùng với đó, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết.

Hơn nữa, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.