Doanh nghiệp xã hội cần có chính sách đất đai, tiếp cận vốn
Chị Tẩn Thị Shu: Tôi là Tẩn Thị Shu, Giám đốc Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Châu. Doanh nghiệp xã hội của tôi chuyên tổ chức tour du lịch leo núi và trải nghiệm cho du khách trong nước, quốc tế.
Sapa O’Châu tạo công ăn việc làm cho các bạn thanh thiếu niên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Doanh nghiệp có hai mảng chính là kinh doanh tạo nguồn thu để hỗ trợ cho bà con dân tộc và hỗ trợ, thúc đẩy về giáo dục cho các bạn trẻ có cơ hội tích cực đi học cũng như học nghề để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Xin chị chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp xã hội nói chung và Sapa O’Châu nói riêng đang gặp phải, cũng như làm thế nào để có thể vượt qua khó khăn?
Chị Tẩn Thị Shu: Doanh nghiệp xã hội thì được cộng đồng xã hội biết nhiều hơn, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Có thể nói, đã là doanh nghiệp xã hội thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về chính sách. Chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được nhiều chính sách. Bản thân tôi lúc mới tiếp cận với doanh nghiệp xã hội đã rất băn khoăn về việc nên làm thế nào định hướng được cho doanh nghiệp vừa kinh doanh có lãi, vừa thực hiện được trách nhiệm xã hội vì đây là vấn đề không dễ dàng.
Doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là Sapa O’Chau của chúng tôi cũng có rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực vì thường thì các nhân lực ở đây không được đi học nhiều và doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nhiều với chính sách.
Trước đây, khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã băn khoăn không biết đặt tên cho doanh nghiệp thế nào thì phù hợp để doanh nghiệp của mình vừa kinh doanh được, vừa có thể giúp được cộng đồng. Sứ mệnh của tôi cũng như cách tôi sống là sinh ra để giúp các mảnh đời khác, những mảnh đời có khó khăn như tôi đã từng trải qua.
Khi tôi tiếp cận với doanh nghiệp xã hội, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), bản thân tôi thấy doanh nghiệp xã hội là hướng đi bền vững. Qua đó, Sapa O’Châu đã biết cách kinh doanh tạo ra nguồn thu nhập tại địa phương, tôn vinh bản sắc văn hóa và hỗ trợ cộng đồng.
Chúng tôi xác định chỉ có kiến thức, chỉ có sản phẩm tinh tế của địa phương thì mới có thể đóng góp những điều tốt đẹp cho địa phương, đặc biệt, người địa phương mới có thể hiểu được sản phẩm của mình là gì và những tinh tế về văn hóa là gì. Chính vì vậy, tôi nghĩ, doanh nghiệp xã hội là hướng đi mới cho chúng tôi, để chúng tôi phát triển.
Những bạn trẻ mới khởi nghiệp chưa biết nhiều về doanh nghiệp xã hội. Tôi mong muốn doanh nghiệp của mình có thể lan tỏa được sứ mệnh để tôi cũng như các bạn không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho quê mình.
Tham gia Hội nghị “Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững” hôm nay, chị có kiến nghị gì về chính sách để doanh nghiệp xã hội phát triển tốt hơn?
Chị Tẩn Thị Shu: Sapa O’Chau nói riêng và doanh nghiệp xã hội nói chung rất cần được hỗ trợ những chính sách liên quan đến đất đai tại địa phương để có thể yên tâm kinh doanh và phát triển, không phải di canh, di cư.
Tiếp đó là những chính sách giúp chúng tôi tiếp cận vốn vay, thúc đẩy doanh nghiệp lớn hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn. Làm sao các chính sách hỗ trợ phải tạo điều kiện cho các bạn khởi nghiệp dựng doanh nghiệp xã hội, để các bạn yên tâm phát triển trên mảnh đất của mình.
Cô gái Hmông Tẩn Thị Shu, Giám đốc Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Châu được biết đến như người chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ vùng cao. Chị là doanh nhân không chỉ lãnh đạo giỏi mà còn là một người không sợ ước mơ lớn. Chỉ học tới lớp 9, bằng ước mơ và nỗ lực không mệt mỏi, chị đã trở thành chủ doanh nghiệp du lịch xã hội truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Chị từng được Forbes Việt Nam vinh danh là cô gái dân tộc duy nhất lọt vào ba CEO nữ tuổi trẻ tài cao vào năm 2016. Sapa O’Chau hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn và có những bước tiến đột phá, mở thêm nhiều dịch vụ với doanh thu hàng tỷ đồng.