Doanh nghiệp xác định `sống chung với lũ`
Các DN đang từng bước thích nghi
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến DN hoạt động thế nào sau 15/9 nếu TP.HCM chưa kiểm soát được dịch bệnh? Do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) tổ chức, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM, nói: “Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, như mọi người đều biết kể từ làn sóng thứ tư, chúng ta đạt ngưỡng khoảng 1.000 ca một ngày vào cuối tháng 6, dịch bệnh cũng bắt đầu xâm nhập vào các Khu chế xuất, KCNC, các nhà trọ. Kèm theo đó, số ca nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng. Ngày15/7, TP.HCM thực hiện 3T đối với các DN là rất kịp thời và đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong những nơi đó. Đến nay, số ca xuất hiện trong mỗi mô hình thực hiện 3T không nhiều”.
Mô hình 3T đang được một số DN áp dụng rất tốt.
Theo ông Thi, nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng là do một số bất cập trong việc xử lý tình huống, phong tỏa DN trên diện rộng, hệ thống y tế chưa có kinh nghiệm xử lý những tình huống khẩn cấp như thế này. Tuy nhiên, ngay sau đó TP đã xử lý khá tốt ở những DN lớn, một số DN khác cũng có vài ca nhiễm nhưng các DN đều xử lý rất tốt trong việc cách ly, khoanh vùng và dập dịch.
“Hiện nay, chúng ta đang cố gắng duy trì dịch bệnh ở mức có thể kiểm soát được, không để lây lan trên diện rộng và chúng ta đang từng bước làm rất tốt” - ông Thi nói.
Ông Thi cho biết thêm thời gian trước người lao động tại KCNC có khoảng hơn 50 ngàn người, tuy nhiên khi thực hiện 3T thì số nhân lực duy trì thực hiện 3T trong nhà máy đã giảm đi rất nhiều. Bằng việc thực hiện tốt 3T và những phương pháp chống dịch hữu hiệu, các DN đã và đang khống chế dịch rất tốt.
“Cá nhân tôi thấy những biện pháp chống dịch ở TP.HCM so với các địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang mềm dẻo hơn rất nhiều, tuy nhiên các DN vẫn đang khống chế được dịch bệnh, một số DN vẫn duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD) và báo lãi. Cùng với “2 cung đường 1 địa điểm”, quy mô người lao động của chúng ta còn khoảng 50-60% so với bình thường, một số DN còn hoạt động chỉ có 20-30% so với trước đây nhưng các DN vẫn đang điều chỉnh nhân lực rất tốt” - Trưởng ban Quản lý KCNC nhận định.
Lãnh đạo có thể ứng dụng công nghệ để kết nối trực tuyến với nhân viên 24/24 và giám sát trực tuyến.
Trong khi đó, ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT công ty Công nghệ HPT cho biết, trước tình hình này, HPT xác định rõ việc phải “sống chung với lũ” và không thể phục hồi lại như cũ ngay được cho nên công ty đã và đang cố gắng duy trì, tăng cường đảm bảo an ninh để có thể tự mình vượt qua dịch bệnh.
HPT đã đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình thực hiện giám sát các hoạt động của cán bộ công nhân viên, những báo cáo từ bộ phận, các cấp đến lãnh đạo, cụ thể như ứng dụng CRM, quản lý từ xa và các hoạt động khác đều liên quan tới CNTT để duy trì giám sát 24/24 đối với DN, mỗi phòng ban đều có những cán bộ đảm bảo việc giám sát chặt chẽ các hoạt động trong DN.
Ông Đồng cho rằng “càng giãn cách, càng phải tăng kết nối”, lãnh đạo phải thực hiện kết nối với các anh em công nhân, duy trì thăm hỏi họ - đặc biệt là những nhân sự bị nhiễm Covid-19. “Chúng tôi thực hiện rất nhiều biện pháp để duy trì kết nối với nhân viên, mục đích để làm sao không một nhân viên nào không thể kết nối với lãnh đạo. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì mức lương cho nhân viên và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời các chuyên gia tâm lý để chia sẻ với cộng đồng công nhân trong các DN của mình bằng cách tư vấn, chia sẻ tâm lý với họ” - Chủ tịch HPT nói.
Duy trì sản xuất kinh doanh, hướng tới mô hình “80 - 20”
Để ứng phó với dịch bệnh, theo ông Trịnh Tiến Dũng - Giám đốc CTCP Cơ khí xây dựng Thương mại Đại Dũng cho rằng, hiện nay, duy trì SXKD và giữ chân lực lượng công nhân đã được đào tạo chuyên môn là hai vấn đề quan trọng nhất đối với các DN. Tiếp đó, là đến khách hàng, đối tác, đơn hàng và những kế hoạch, chỉ tiêu của năm cùng với vấn đề tài chính của DN.
"Phải tính toán làm sao để duy trì, không để hao hụt quá nhiều dẫn đến âm vốn và đứt gãy, vì nếu DN phải ngưng và cơ cấu lại thì sẽ rất bất lợi cho DN trong việc vay vốn ngân hàng sau này", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, bằng việc chủ động thực hiện sát sao các kế hoạch cùng với biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, công ty vẫn có thể duy trì công việc trong điều kiện hiện tại đến khoảng tháng 2, tháng 3 sang năm và duy trì điều kiện SXKD bằng biện pháp 3T, không ảnh hưởng nhiều đến kết quả SXKD.
“Hiện tại, chúng tôi cũng đang thực hiện SXKD theo cách 80-20, tức là 20% khách hàng chiếm 80% doanh số, chọn cách chăm sóc những khách hàng lớn và tiềm năng, tập trung vào những sản phẩm có thể bán cho khách hàng trong giai đoạn này và lược bớt một số công đoạn, nhân sự không cần thiết, đi kèm với thực hiện chống dịch một cách nghiêm ngặt”.
DN nên ứng dụng nguyên tắc 80-20. Trong đó, 20% khách hàng mang đến 80% doanh số.
Bên cạnh đó, với quan điểm “Thực túc thì binh cường” - ông Dũng cho hay công nhân phải được ăn uống và chăm sóc thuốc men đầy đủ thì mới có thể chuyên tâm SXKD được. Ông chia sẻ trong mô hình 3T tại DN mình, một số công nhân còn sáng tạo thực hiện cuốc đất, trồng rau ngay trong khuôn viên thực hiện 3T và giao lưu, trao đổi với nhau rất vui vẻ, tinh thần tốt, lương thực đầy đủ, cùng với đó DN tạo thêm một số chương trình thi đua trong nhà máy, công trường để công nhân nỗ lực hăng say làm việc hơn. “Chúng tôi cũng cố gắng chăm sóc ngay cả gia đình họ ở hậu phương của họ để họ có thể yên tâm SXKD”, ông Dũng nói.
Song song với đó, doanh nghiệp cũng luôn thực hiện thực hiện khử khuẩn, chống dịch một cách nghiêm ngặt và khép kín, không tiếp xúc với bên ngoài và các bộ phận cũng tách riêng với nhau, đồng thời có khu y tế riêng để phòng hờ có rủi ro.
“Chính quyền TP cũng quan tâm bằng nhiều cách nên các cơ sở của chúng tôi vân đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lên sẵn những kế hoạch nếu dịch có kéo dài để làm sao “mỗi DN là một pháo đài”, khống chế dịch bệnh và tự cứu lấy mình, tuyệt đối không thụ động vào các chính sách, phương án, hỗ trợ của TP. Mỗi DN cần phải nâng cao mình hết sức trong việc phòng chống dịch chứ không phụ thuộc vào lực lượng nào bên ngoài cả”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Tống cho rằng, “DN làm dưới dạng 3T hay là “2 cung đường 1 địa điểm” thì hơi cực khổ nhưng phải duy trì để đảm bảo nhiều thứ, thứ nhất là đảm bảo đồng lương cho anh em công nhân, thứ hai là duy trì hoạt động của DN mình. Chúng tôi cũng quan tâm các anh em công nhân một cách tối đa và thực hiện kỹ các công tác phòng, chống dịch để không gây nguy hiểm”.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Xem thêm: Sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội thế nào?