Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng - Thế hệ starup đầu tiên ôm giấc mơ làm công nghệ của người Việt
Hiệp sĩ Công nghệ thông tin
Ông Nguyễn Tử Quảng sinh ngày 11/6/1975 trong gia đình có truyền thống hiếu học tại Ninh Bình, ông từng là học sinh xuất sắc của lớp chuyên toán trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Hội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách Khoa.
Năm 1995, khái niệm virus máy tính còn xa lạ với hầu hết người Việt Nam. Nhắc đến phần mềm diệt virus, người ta liên tưởng đến virus lây bệnh như ở người, nhiều người cho rằng virus “lây qua đường điện”.
Từ “thuở sơ khai” đó, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và cung cấp miễn phí phần mềm này đến năm 2005 cho cộng đồng mạng.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa Công nghệ Thông tin, tiếp tục nghiên cứu Bkav (phần mềm diệt virus máy tính) và các chương trình khác. Tháng 7 năm 1997 Nguyễn Tử Quang chính thức ra mắt phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE, chỉ 4 tháng sau đó, anh cũng viết ra thành công phần mềm hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của công ty FPT - một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 12 năm 2001, ông Quảng thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (BKIS) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội với chín thành viên khác, và trở thành giám đốc của Trung tâm này.
Với nhiều thành tích nổi bật, năm 2003, ông Nguyễn Tử Quảng vinh dự được Tạp chí EChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin.
Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chính thức được thương mại hóa, cũng trong năm đó, Nguyễn Tử Quảng thành lập công ty lấy tên là Bkav. Điều này khiến nhiều người cho rằng Bkav xuất hiện trên thương trường chỉ vì “tiền”. Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng không chút do dự khẳng định: “Tiền chỉ là hệ quả, không phải là mục đích.” Chính những búa rìu dư luận thời điểm đó trở thành bài học vỡ lòng đầu tiên của ông về khởi nghiệp: “Nếu bạn chỉ làm ra những thứ để bán ra kiếm tiền thì sự thành công sẽ rất thấp và bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải.”
Năm 2012, ông được vinh danh là Người tiên phong đặt nền móng cho lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam (Báo điện tử VnExpress tổ chức bình chọn). CEO Nguyễn Tử Quảng cũng là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu của Thập kỷ (2000-2010) do Hội nhà báo CNTT bình chọn.
Năm 2015, công ty của Nguyễn Tử Quảng đã cho ra mắt Bphone, sản phẩm điện thoại di động đầu tiên. Với Bphone, ông tự tin khẳng định những sản phẩm như iPhone 6, hay Samsung Galaxy S6 là có nhiều chi tiết thừa, thiết kế kém tinh tế; tuy nhiên chính phát ngôn này khiến Bphone gặp phải phản ứng trái chiều từ xã hội do sản phẩm không tốt như quảng cáo.
Năm 2017, Bkav ra mắt điện thoại Bphone 2017 sau 2 năm kể từ thế hệ đầu tiên trình làng. Song song đó, “cha đẻ” Bphone Nguyễn Tử Quảng được Hiệp hội Internet Việt Nam vinh danh là một trong 10 nhân vật tiêu biểu có ảnh hưởng tới sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong 1 thập kỷ
Năm 2018, Nguyễn Tử Quảng cùng các cộng sự tiếp tục cho ra mắt điện thoại Bphone 3 và Bphone 3 Pro.
Năm 2020, Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone B86 - Bphone thế hệ thứ 4 vào ngày 25/03. Tại sự kiện ra mắt, không chỉ có Bphone B86, Bkav còn giới thiệu thêm 3 dòng máy khác là B40, B60, B86s.Tuy nhiên đến cuối năm 2021, 3 sản phẩm trên đều chưa được đưa ra thị trường.
Bkav đang kinh doanh ra sao?
Bkav là Tập đoàn công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, chính phủ điện tử, nhà sản xuất smartphone, thiết bị điện tử thông minh, Smart City và AI camera. Bkav là 1 trong 10 thương hiệu Nổi tiếng nhất Việt Nam do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn, nằm trong Top 10 Dịch vụ hoàn hảo do Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
Bkav là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lọt vào Danh sách các công ty hấp dẫn (Cool Vendors) tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu do Gartner, hãng tư vấn CNTT hàng đầu thế giới công bố.
Trong nhiều năm qua, phần mềm diệt virus của Bkav được bình chọn là "Sản phẩm An toàn thông tin được người dùng ưa chuộng nhất", Công ty nhiều năm liên tiếp được trao Cup tự hào thương hiệu Việt. Tại thị trường trong nước, phần mềm Bkav chiếm ưu thế áp đảo so với các phần mềm diệt virus của nước ngoài khi có tới 73,95% các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. (Theo kết quả xếp hạng các thương hiệu phần mềm được doanh nghiệp ưa chuộng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI thực hiện).
BKAV đang sở hữu trong tay 6 công ty con, chuyên về phát triển phần mềm, an ninh mạng cũng như phần cứng. Trong đó, BKAV Pro năm 2018 được định giá khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ngày 2/6, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Tập đoàn Công nghệ BKAV thông báo lần đầu phát hành 170 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn cho công ty con BKAV Pro. Đồng thời ông Quảng cũng tiết lộ sau giai đoạn này, BKAV sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để mọi nhà đầu tư đều có thể tham gia.
Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin về việc BKAV lên sàn. Năm 2018, công ty đã phát hành 5% cổ phần BKAV Pro cho các lãnh đạo, với định giá đơn vị này là 1.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, theo nguồn tin của ICTNews, việc bán cổ phần nội bộ là một bước trong kế hoạch IPO của BKAV vào năm 2020.
Riêng đối với mảng smartphone, mặc dù đã 6 năm góp mặt trên thị trường song đến nay BKAV vẫn chưa công bố số liệu về doanh số hay thị phần Bphone tại Việt Nam. Mới đây nhất, trước sự dừng chân của VinSmart, ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố Bphone sẽ chiếm thứ hai thị phần smartphone tại Việt Nam vào năm 2023.
Trong đợt phát hành trái phiếu lần này, CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết sẽ dùng một phần trong tổng số 170 tỷ đồng dự kiến huy động được để phát triển các dòng Bphone giá tốt với mục tiêu phổ cập thị trường và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.