Đối tác gặp sự cố với Amazon, Garmex không còn đơn hàng, nhân sự giảm gần 30 lần

Trang Mai 13:16 | 05/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may năm 2023, Garmex Sài Gòn (mã: GMC) còn liên tục bị giá vốn vượt chi phí, khiến chuỗi thua lỗ kéo dài 2 năm liên tiếp.

Cắt giảm nhân sự, Chủ tịch không nhận thù lao

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn vào cuối năm chỉ còn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với hồi đầu năm. Đợt cắt giảm này còn nặng hơn năm dịch bệnh 2022, khi đó GMC đã cắt giảm 1.828 nhân sự. Như vậy, đã có khoảng 3.775 người bị mất việc ở Garmex Sài Gòn trong hai năm qua.

Cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà doanh nghiệp này lựa chọn để giảm lỗ trong năm 2023. Trong năm 2023, doanh thu Garmex Sài Gòn chỉ đạt khoảng 8,3 tỷ đồng, giảm gần 35 lần so với cùng kỳ 2022. Trong đó quý IV/2023 chỉ góp hơn 130 triệu đồng. 

Kết quả, công ty may này báo lỗ gần 52 tỷ đồng, nâng số lỗ luỹ kế lên hơn 73 tỷ đồng. 

 

Nguyên nhân kết quả ảm đạm do đơn hàng sụt giảm, chủ yếu là đơn lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Trong văn bản giải trình, bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng Giám đốc cho biết trong quý IV/2023 công ty vẫn không có đơn hàng.

Ban lãnh đạo nói tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến "công ty lỗ rất nhiều". Họ phải tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiệt hại và tiết kiệm chi phí tối đa. Riêng chi phí nhân công giảm đến 6 lần trong năm 2023, chỉ còn hơn 11 tỷ đồng.

Việc cắt giảm lao động đã được GMC tính toán từ trước khi họ trích lập dự phòng trợ cấp mất việc hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022. Nhờ trích lập từ trước, khoản lỗ của công ty trong năm 2023 cải thiện 39% so với cùng kỳ.

Trong phiên họp bất thường cuối tháng 9/2023, công ty từng cho biết với 35 nhân sự, chi phí khoảng 650 triệu đồng mỗi tháng, trung bình mỗi người nhận lương khoảng 18,6 triệu đồng. 

Ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương từ những tháng đầu năm và sẽ tiếp tục giảm những chi phí hợp lý. Năm qua, doanh nghiệp này không chi thù lao cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường, còn Tổng giám đốc Nguyễn Minh Hằng được nhận lương thưởng gần 950 triệu đồng.

Giai đoạn trước, GMC ghi nhận mức doanh thu hàng ngàn tỷ và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngay cả cao điểm dịch 2021, GMC vẫn có lãi hơn 43 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ lần đầu vào năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu sụt tới 93% so với năm 2021.

Doanh thu của doanh nghiệp dệt may này đã giảm mạnh từ nửa năm đầu 2023. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu hụt nguồn thu từ đối tác CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL). 6 tháng đầu năm 2022, Garmex có khoản thu gần 224 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex (chiếm hơn 85% tổng doanh thu thuần), nhưng cùng kỳ 2023 không có khoản thu này.

Đây có thể là hệ quả kéo theo sau lùm xùm Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.

 

Bán tài sản để trang trải chi phí

Không chỉ quyết định tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, doanh nghiệp này còn tiến hành rà soát tài sản, thanh lý nếu không dùng để trang trải chi phí.

Từ tháng 12/2023, Garmex liên tục có thông báo thanh lý ô tô con, xe tải. Trong đó, một chiếc xe Mercedes sản xuất năm 2011 được chào giá 250 triệu đồng, một chiếc ô tô hiệu Mitsubishi năm 2013 thanh lý giá khởi điểm 437 triệu đồng…

Ngoài ra, Garmex cũng rao bán cả máy thêu, máy giặt, sấy…

Nhờ đó, khoản nợ phải trả đến hết quý IV/2023 đã giảm mạnh từ hơn 87 tỷ đồng đầu năm về còn hơn 27 tỷ. Hết năm 2023, FMC đã “xoá sổ” khoản vay ngắn hạn ngân hàng gần 29 tỷ đồng. Ngược lại, lượng tiền mặt cùng tiền gửi các kỳ hạn cũng giảm hơn 2 lần, từ 206 tỷ xuống 92 tỷ đồng.