Dự kiến chi 57.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để phát triển kinh tế nông thôn theo Chương trình OCOP
Sau thành công của Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ, dự kiến sẽ có 57.000 tỷ đồng rót cho Chương trình này.
OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương ký kết phối hợp trong triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2018-2020, đã có 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. Cả nước hiện có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Nguồn kinh phí huy động cho Chương trình OCOP của cả nước trong giai đoạn này là 22.845 tỷ đồng.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh, Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của Hà Nội, Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP, với trên 10.000 gian hàng, 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP được xây dựng và đưa vào hoạt động. Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, ít nhất 3% sản phẩm đạt 5 sao; có ít nhất 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; tỉ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 30%...
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 57.000 tỷ đồng, trong đó vốn do các tổ chức kinh tế đầu tư khoảng 11.400 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng và các nguồn khác.
Thời gian tới, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa của từng địa phương.
Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, dựa trên các lợi thế, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hóa vùng miền của mỗi địa phương.
Cần phải liên kết để phát triển sản phẩm OCOP chứ không nên hiểu theo nghĩa hẹp là hàng hóa phải có nguồn gốc địa phương. Chẳng hạn sản phẩm OCOP của Hà Nội nhưng nguyên liệu có thể là của các tỉnh khác trong vùng.
Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa về sản phẩm OCOP để đảm bảo chất lượng. Cần có hệ thống chấm điểm, số hóa quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Vì đôi khi, các địa phương nóng lòng muốn phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, có thể “nương nhẹ” để sản phẩm nào đó đạt chuẩn.
Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kế nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Từ đó, xây dựng hồ sơ và quản lý dự liệu sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, gắn với giám sát - chứng thực của công tác nhà nước…
T.T
Xem thêm: Hà Nội công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP 2020