Du lịch sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn

09:56 | 07/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ tin tưởng du lịch sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.

Sáng 6/12, tại Hà Nội, phiên thứ hai của Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018 thảo luận với chủ đề "Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - Tầm nhìn 2030" đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thách thức đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh, ngành du lịch đã tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua, đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP của Việt Nam. "Nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Trong 42 năm, Việt Nam chỉ xây dựng thêm 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi thì ngưỡng khách đến Việt Nam đã chạm tới giới hạn", ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông John Lindquist, Cố vấn Cấp cao BCG, Thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng thách thức đặt ra là đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.

Du lịch sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn - ảnh 1
Ông John Lindquist, cố vấn Cấp cao BCG, Thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
Theo ông John Lindquist, Việt Nam đã đạt 15 triệu lượt khách, tăng 10% so với 2 năm gần đây. Việt Nam phát triển nhanh nhưng so với Thái Lan mới chỉ đứng thứ 3. Ông cũng so sánh với Nhật Bản, 10 năm gần đây, du lịch quốc gia này tăng trưởng mạnh bởi từ năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn du lịch là lĩnh vực quan trọng để phát triển trở lại. Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Việt Nam có thể phát triển du lịch theo hướng đi này.Một trong những giải pháp tiếp đó cho Việt Nam là những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, Việt Nam cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách đến du lịch Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.

Marketing tốt nhất chính là khách du lịch

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã bàn sâu tới nhiều giải pháp, trong đó có việc quảng bá thương hiệu du lịch Việt.

Để tạo ra các sản phẩm du lịch sáng tạo, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, các sản phẩm du lịch càng gần với thiên nhiên, văn hóa càng được chú ý. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặt dễ dàng thông qua ứng dụng công nghệ mới cũng thu hút du khách.

Du lịch sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn - ảnh 2
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
“Để phát triển du lịch, Việt Nam cần xây dựng nền tảng để có thể phân phối toàn cầu. Bản thân người du lịch sẽ là người marketing tốt nhất, góp phần đưa du lịch Việt ra toàn cầu”, ông Kiên khuyến nghị.

Một trong những thông tin đáng chú ý mà ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa ra là: Để nâng cao quảng bá du lịch Việt Nam, Bộ đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực công tư. Khi đi vào hoạt động, quỹ này sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch.

Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia nhấn mạnh: Du lịch là ngành nóng liên quan nhiều ngành, nhiều người, mọi cấp độ. Tăng trưởng của ngành du lịch là nhanh so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và giữ được tốc độ này cũng là khó.

Du lịch sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn - ảnh 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
Khi một ngành phát triển nhanh sẽ đạt đến một ngưỡng, những vấn đề, thách thức sẽ  không thể giải quyết ngay trước mắt trong một đến hai năm, ví dụ như du lịch là vấn đề liên quan đến hạ tầng hàng không. Làm thế nào duy trì tăng trưởng và giải quyết thách thức là yêu cầu lớn với ngành du lịch.

“Du lịch hiện được coi là ngành kinh tế phát triển chung cùng nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch sẽ không phải đi cùng nữa mà sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn. Tôi có niềm tin, những người làm du lịch sẽ cùng nhau làm điều này", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, nếu du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh tại vùng đó, sẽ sản xuất ra sản phẩm an toàn hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu tốt hơn. Ông nhấn mạnh đẩy mạnh homestay, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà quan trọng hơn, còn mang thế giới đến ngay tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều lễ kýkết đầu tư giá trị lớn như lễ ký kết giữa công ty TNHH Phát triển Nam Hội An và Tập đoàn Khách sạn Rosewood; công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và Hãng hàng không AirAsia; Wendy Wu Tours và Victoria Cruise; tập đoàn Novaland và Minor… đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.