Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là gượng ép
Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Việc đưa “Chương VIIa - Hộ kinh doanh” vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) giống như cho một vật ký sinh bám miễn cưỡng vào một thực thể đã hoàn chỉnh, đang đầy sức sống.
Bởi vì, xét về mặt cấu trúc, Luật Doanh nghiệp đã qua nhiều lần sửa đổi, dài ngắn khác nhau nhưng tất các chương, điều khoản đều liên quan, gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau tạo thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh. Nếu đưa những quy định về hộ kinh doanh thành Chương VIIa của Luật thì Chương I, Chương II, Chương IX, Chương X đều không áp dụng với Chương VIIa; và nội dung Chương VIIa về hộ kinh doanh hoàn toàn không liên quan gì đến các Chương III, IV, V, VI và VII của Luật. Điều này là một sự gượng ép, bất hợp lý, phá vỡ kết cấu khoa học, hệ thống của một đạo luật cả về nội dung và hình thức.
“Dự thảo Chương VIIa quy định về hộ kinh doanh nhưng không có định nghĩa về hộ kinh doanh. Điều đó có nghĩa tất cả chúng ta chưa biết hộ kinh doanh là gì, và chắc chắn không có nhận thức thống nhất về bản chất của hộ kinh doanh. Nói cách khác, về mặt pháp lý, chúng ta chưa biết Chương VIIa điều chỉnh cái gì? Nhà nước quản lý cái gì? Xã hội giao dịch với hộ kinh doanh là giao dịch với cái gì,… Cuối cùng, không rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của toàn bộ các quy định về hộ kinh doanh”, ông Cung đánh giá.
Ông Cung cho biết, Chương VIIa có 12 điều, về cơ bản là quy định thủ tục hành chính, không có luật nội dung. So với hiện hành, số thủ tục hành chính nhiều hơn; hồ sơ, giấy tờ nhiều hơn, thủ tục phức tạp hơn. Như vậy, chắc chắn tạo thêm khó khăn hơn, nhiều chi phí hơn đối với hộ kinh doanh đồng thời đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Đảng và Nhà nước.
Chính sách nổi bật của Nhà nước đối với hộ kinh doanh (theo chương VIIa của dự thảo) là tăng cường kiểm soát, tăng cường quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh; làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Ngoài ra, không có bất kỳ quy định nào tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh cho chủ hộ và hộ kinh doanh; không có bất kỳ quy định nào tạo thêm thuận lợi cho hoạt động của hộ kinh doanh; không thấy quy định khuyến khích phát triển hộ kinh doanh; không có quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ hộ kinh doanh, của hộ kinh doanh và các bên có liên quan với chủ hộ kinh doanh và hộ kinh doanh.
Ông Cung kết luận: Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chưa xác định được bản chất pháp lý của hộ kinh doanh (như một chủ thể pháp lý), chưa làm rõ được những vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh, chưa đánh giá tác động của các dự thảo, chưa phân tích, cân nhắc các phương án lựa chọn; không chỉ ra được những tác động tích cực của các quy định trong chương VIIa so với hiện hành; và hàng loạt vấn đề liên quan khác chưa được làm rõ.
“Đề nghị không bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.