G20: Kinh tế thế giới có thể 'hạ cánh mềm' dù còn nhiều rủi ro

Khánh Ly/TTXVN 07:28 | 28/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được kịch bản tăng trưởng giảm tốc năm thứ ba liên tiếp kể từ khi ghi nhận mức tăng mạnh sau đại dịch vào năm 2021.

Quang cảnh cảng Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN).

Các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 26/7 nhận định nền kinh tế toàn cầu có khả năng "hạ cánh mềm", nhưng cảnh báo các xung đột leo thang có thể đe dọa triển vọng này, trong khi tăng cường hợp tác toàn cầu có thể thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Trong một thông cáo chung sau cuộc họp hai ngày tại Brazil, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 cũng cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và nhấn mạnh cần giảm tình trạng bất bình đẳng kinh tế.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được kịch bản tăng trưởng giảm tốc năm thứ ba liên tiếp kể từ khi ghi nhận mức tăng mạnh sau đại dịch vào năm 2021.

WB dự đoán năm 2024, kinh tế thế giới sẽ duy trì mức tăng trưởng 2,6% như năm 2023, nhưng cảnh báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn từ nay cho đến hết năm 2026 sẽ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch.

Thông cáo nhận định kinh tế thế giới ngày càng có khả năng hạ cánh mềm, dù vẫn còn nhiều thách thức, như các cuộc xung đột leo thang. Thông cáo của G20 cho biết hoạt động kinh tế đã thể hiện sự vững ổn hơn dự đoán ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng sức phục hồi vẫn rất không đồng đều giữa các quốc gia. Điều này góp phần gây ra rủi ro chênh lệch về kinh tế.

Tài liệu nêu rõ những mặt tích cực đối với tăng trưởng gồm có sự tăng cường hợp tác kinh tế, lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán và những đổi mới công nghệ, như phát triển an toàn Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Nhưng mặt khác, thông cáo cho rằng công nghệ AI cũng có thể trở thành một rủi ro đối với tăng trưởng, bên cạnh các rủi ro khác như sự phân mảnh kinh tế và lạm phát dai dẳng khiến lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, các sự kiện thời tiết cực đoan và tình trạng nợ quá mức.

Các nhà lãnh đạo tài chính G20 nhất trí rằng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học nghiêm trọng là những vấn đề gây quan ngại lớn. G20 cảnh báo nếu các quốc gia nghèo hơn phải gánh chịu nhiều chi phí hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu.

Thông cáo cũng kêu gọi cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn tại tổ chức này.