Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ ở Mỹ, “cha đẻ” của giống gạo nói gì?
Ngày 19/4, tại một diễn đàn diễn ra ở TP HCM, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), có đề cập đến 1 thông tin rằng gạo ST của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ. Từ đó đặt ra vấn đề các doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà ở thị trường xuất khẩu.
Ông Phú cho hay, thông tin trên là từ phản ánh của doanh nghiệp, 2 loại gạo bị đăng ký là ST24 và ST25.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trường hợp thương hiệu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST24 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống gạo ST25
“Nếu họ đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được" – ông Phú nhấn mạnh.
Ông cũng Phú cảnh báo, để tránh sản phẩm của mình bị lấy mất thương hiệu, các doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường trọng điểm, tùy theo khả năng tài chính và chiến lược phát triển thị trường của công ty.
Trả lời về vấn đề trên với Báo Lao động, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống gạo ST25 ngon nhất thế giới, cho biết, đã nắm được thông tin 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường Mỹ.
Ông Cua cho biết, bản thân ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa, trong khi vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp nên ông ít chú ý đến.
Theo ông Cua, tại Mỹ, việc đăng ký thương hiệu rất dễ dàng theo kiểu “ai nhanh chân hơn sẽ thắng” mà không cần biết rõ nguồn gốc đó ở đâu, ai làm ra. Mỹ quy định rất dễ dàng. “Điều này cũng đã xảy ra tại Việt Nam chúng ta như với nước mắm, hồ tiêu... trước đây. Tôi cho rằng, giá trị thật bao giờ cũng thắng. Họ không làm ra, không sản xuất, không có cánh đồng canh tác nào mà nói là của họ thì khó nghe lắm”, ông Cua nói thêm.
Ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp tư nhân do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm chủ, ông Hồ Quang Cua là cố vấn), cho biết luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ không cấm các doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm nông sản tại thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ một sản phẩm thì sẽ gắn liền với tên doanh nghiệp đó.
Nghĩa là khi đăng ký bảo hộ gạo ST25 thì sẽ phải gắn liền với tên doanh nghiệp nào đó chứ không chỉ bảo hộ riêng chữ “gạo ST25”.
“Các doanh nghiệp này họ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của họ, gắn với sản phẩm gạo ST24, ST25 để đón đầu thị trường. Nếu ST24, ST25 mà không nổi tiếng, không được người tiêu dùng đánh giá cao thì cũng không doanh nghiệp nào bỏ tiền, bỏ thời gian để đăng ký bảo hộ làm gì”, ông Trí cho biết. "Ngay tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của doanh nghiệp họ, đâu cần nói gì tới chuyện ở nước ngoài", ông Trí tiếp lời.
Cũng theo ông Trí việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25 không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25 và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo cả.
H.A
Xem thêm: Chất lượng tăng cao, gạo Việt Nam tự tin chinh phục thị trường thế giới