Giá cổ phiếu của Nike và Adidas giảm mạnh sau sự cố với bông vải Tân Cương

16:21 | 26/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ảnh hưởng từ việc bị người dân Trung Quốc đồng loạt tẩy chay, giá cổ phiếu của Nike và Adidas trong 2 ngày qua đã giảm mạnh, khiến cho giá trị thị trường của các hãng này cũng rớt giá nhanh chóng.
Trong 2 ngày qua, sau tuyên bố chấm dứt sử dụng bông vải từ Tân Cương của tập đoàn H&M đã tạo nên một làn sóng tẩy chay từ cộng đồng Trung Quốc. Sau H&M, nhiều thương hiệu lớn khác như: Uniqlo, Nike, Adidas, GAP, Fila, New Balance... cũng tuyên bố tẩy chay vải bông từ Tân Cương.

Được biết vào tối ngày 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đã đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương.
 
Giá cổ phiếu của Nike và Adidas giảm mạnh sau sự cố với bông vải Tân Cương - ảnh 1
Giá cổ phiếu của Nike và Adidas giảm mạnh sau làn sóng "tẩy chay" của người dân Trung Quốc.
 

Theo đó CCTV cho rằng “H&M kiếm nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại cố tình vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, những doanh nghiệp như thế này không có đạo đức kinh doanh và đi quá giới hạn...". CCTV cũng đính kèm hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M trên diễn đàn thương mại điện tử Taobao. Cùng với đó, tất cả những sản phẩm của các nhãn hàng trên đều đã bị gỡ bỏ khỏi các trang thương mại điện tử lớn ở đất nước tỉ dân.

Ảnh hưởng bởi việc này, giá cổ phiếu của Nike và Adidas đã bị giảm mạnh. Theo thị trường chứng khoán Mỹ vào hôm qua, nhãn hàng Nike đã giảm 3,39% vào lúc đóng cửa khiến cho giá trị thị trường của hãng “bốc hơi” khoảng 7,1 tỷ USD. Vào ngày 25/3, giá cổ phiếu của Adidas giảm hơn 6,49% trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt ở Đức, giá trị thị trường của hãng này đã “bốc hơi” khoảng 3,5 tỷ Euro.

Nguyên nhân mà nhiều nhãn hàng đồng thời trang tuyên bố dừng việc thu mua bông sản xuất ở Tân Cương bắt nguồn từ sau khi nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc bị Mỹ và một số nước châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt vì cáo buộc bóc lột lao động, kỳ thị và vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ.

Minh Nguyệt