Mỹ phớt lờ lời kêu gọi của CEO Nvidia, khoét sâu rạn nứt công nghệ với Trung Quốc

Các sản phẩm chip của Nvidia tại một hội nghị ngành công nghệ tại Đài Bắc, Đài Loan. (Ảnh: Bloomberg).
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm giữ công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến tránh xa khỏi tầm tay Trung Quốc, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay.
Phát biểu này phớt lờ lời kêu gọi của CEO Nvidia Jensen Huang về việc nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu chip sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo hãng tin Bloomberg.
“Rõ ràng là chúng tôi rất tôn trọng Jensen”, ông Sriram Krishnan, cố vấn chính sách cấp cao của Nhà Trắng về trí tuệ nhân tạo, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 21/5.
“Khi nói đến vấn đề Trung Quốc, tôi nghĩ lưỡng đảng vẫn hết sức lo ngại về những gì có thể xảy ra với các GPU của Nvidia một khi chúng thực sự ở bên trong quốc gia này”, ông nói thêm.
Trong khi chính quyền ông Trump vẫn thấy rủi ro an ninh khi mở rộng xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc, ông Krishnan cho biết họ đồng ý với quan điểm của CEO Nvidia rằng Mỹ cần xem xét lại các hạn chế với nhiều đối tác thương mại khác.
Chính quyền ông Trump đang huỷ bỏ và lên kế hoạch thay thế chính sách phát triển AI mà người tiền nhiệm Joe Biden ban hành.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Krishnan đã đề cập đến loạt dự án mới tại Arab Saudi và UAE mà các công ty Mỹ công bố trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump hồi tuần trước.
Vị cố vấn nói đó là bằng chứng cho nỗ lực mới của Nhà Trắng nhằm tạo điều kiện cho các đồng minh tiếp cận AI của Mỹ. Ông lưu ý các thoả thuận vẫn bao gồm hạn chế về an ninh để ngăn việc chuyển giao công nghệ tiên tiến bất hợp pháp cho Trung Quốc và các đối thủ khác.
“Các thoả thuận chủ yếu sẽ do những công ty quy mô lớn, nhà cung cấp dịch vụ đám mây và doanh nghiệp Mỹ khác điều hành”, ông Krishnan, người từng là đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, cho hay.
“Hầu hết các GPU sẽ do doanh nghiệp Mỹ vận hành, lưu trữ và kiểm soát”, ông nhấn mạnh.
Vị cố vấn phát biểu khoảng vài giờ sau khi CEO Nvidia Jensen Huang đưa ra bình luận công khai mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm phản đối việc Mỹ tăng cường các hạn chế xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc.
Tại hội nghị Computex ở Đài Bắc (Đài Loan), ông Huang chỉ trích các biện pháp của chính quyền ông Trump là một “thất bại” và thúc giục Washington hạ thấp rào cản để bán chip sang Trung Quốc trước khi các công ty Mỹ nhường thị phần vào tay những đối thủ như Huawei Technologies.
Trao đổi với các phóng viên, CEO Nvidia tiết lộ Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD doanh thu bán dẫn toàn cầu vào năm 2026.
Ông cho biết: “Trung Quốc nắm khoảng 50% các nhà phát triển AI trên thế giới và vấn đề quan trọng là khi họ phát triển một dự án, họ phải phát triển trên chip Nvidia hoặc ít nhất là với công nghệ Mỹ”.
Hôm 15/4, Nvidia thông báo họ sẽ phải chịu thiệt hại 5,5 tỷ USD liên quan đến hoạt động xuất khẩu chip H20 sang Trung Quốc. H20 là mẫu chip tiên tiến nhất mà Nvidia có thể bán cho quốc gia tỷ dân.
Trước đó, vào ngày 9/4, chính quyền ông Trump thông báo Nvidia cần giấy phép để xuất khẩu chip H20 sang Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Đến ngày 14/4, Nhà Trắng làm rõ rằng các quy định mới sẽ có hiệu lực “vô thời hạn”. Lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra là họ lo ngại chip H20 có thể được sử dụng để chế tạo siêu máy tính phục vụ cho mục đích quân sự.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.