Anh Lại Quốc Tĩnh tạo dựng khu nghỉ dưỡng H'Mong Village bằng khát khao bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của người H'Mông, cùng với đó là tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản địa và phát triển một mô hình du lịch xanh, bền vững. 

Nhiều năm về trước, vùng đất bên dòng sông Miện thuộc xã Đông Hà, huyện Quản Bạ cũng giống như phần lớn tỉnh Hà Giang, là một vùng núi hoang sơ, vắng vẻ. Ngô non chen giữa núi đá xám. Dưới thung lũng Tráng Kìm, khói chiều tỏa lên tạo ra một khung cảnh đìu hiu. Vài bóng người lọt thỏm, lẫn khuất vào cái mênh mông đến rợn ngợp. Nhìn khung cảnh ấy, có lẽ ai cũng có cùng câu hỏi: "Người dân ở đây rồi cứ mãi lặng lẽ dưới vực sâu?".

Cũng mảnh đất ấy, một ngày của năm 2022, vẫn mênh mông hoang sơ núi đá, vẫn những con đường uốn lượn thót tim, nhưng Đông Hà nay đã khác với một luồng sinh khi mới mẻ.

Khu nghỉ dưỡng H'Mong Village ra đời trên mảnh đất này từ năm 2020 như một nét vẽ mới trong bức tranh du lịch Hà Giang trên hành trình đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây cũng là minh chứng cho khát khao của những người đau đáu với ngành du lịch tỉnh nhà, rằng người dân vẫn “sống trên đá” nhưng không “chết mòn trong đá nữa” mà có thể “làm giàu từ đá”.

Từ ngày có H'Mong Village, khách du lịch dừng chân ở Quản Bạ ngày một nhiều hơn, thay vì đi thẳng lên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc như trước kia. H’Mong Village trở thành là địa điểm tham quan, lưu trú thu hút khách hàng đầu của tỉnh Hà Giang, là nơi đón các đoàn khách cấp cao đến làm việc tại tỉnh. Những dịp lễ, mỗi ngày H'Mong Village có thể đón 1.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú.

Cũng từ đó, những thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương đã bắt đầu cải thiện kinh tế gia đình bằng chính tri thức bản thân. Vàng Thị Pà (người dân tộc H’Mông) đã thoát cái vòng luẩn quẩn của gia đình, tháng ba ra đồng tra hạt vào hốc đá, tháng tám lại lên nương vác những gùi ngô về nhà. Em cũng không phải rời xa quê lập nghiệp như một số bạn đồng trang lứa.

 

Vàng Thị Pà là một trong số 60 thanh niên người dân tộc thiểu số đang làm việc tại H'Mong Village với thu nhập ổn định.

Người đứng đằng sau tạo dựng nên khu nghỉ dưỡng H’Mong Village mang sức sống mới về miền cao nguyên đá này chính là anh Lại Quốc Tĩnh - chủ tịch H'Mong Village, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang.

 

Vốn không phải người Hà Giang, nhưng anh Lại Quốc Tĩnh đã phải lòng vùng đất địa đầu Tổ quốc. Mảnh đất này, đâu chỉ có đá, mà còn có tình. Và chính cái hồn của đất, cái tình người và văn hóa bản địa đã níu chân người con Thái Bình hơn 20 năm nay.

Dọc những con đường uốn lượn nơi biên viễn, nằm nép mình dưới những tán cây sa mộc vươn thẳng là những căn nhà trình tường lợp mái ngói âm dương và hàng rào đá. Đây là một nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người H'Mông. Lối xây dựng nhà độc đáo hoàn toàn bằng đất tạo ra những ngôi nhà mát mẻ vào mùa hạ, ấm áp vào mùa đông được lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Để rồi những lần đi khảo sát công trình, anh Tĩnh nhận thấy những căn nhà trình tường dần mất đi. Tường đất vàng bị thay bằng xi măng, mái tôn. Anh xót xa khi chứng kiến một nét văn hóa độc đáo dần bị người dân quên lãng. “Văn hoá kiến trúc của người dân ở đây đang bị 'mai một' đi rất nhiều” anh Tĩnh trải lòng. Thế nhưng, đâu thể trách được người dân, ở cái chốn khắc nghiệt này, những căn nhà đất đơn sơ ấy chẳng thể chống chọi sự bào mòn của thời gian, thời tiết.

 

Từ đó, anh Tĩnh đau đáu một giấc mơ kiến tạo một ngôi làng mà tại đó, những căn nhà trình tường được phục dựng nguyên bản. Nơi đó cũng là một khu nghỉ dưỡng giới thiệu văn hóa bản địa đến khách tham quan, cải thiện bộ mặt của vùng, và hơn hết, tạo ra một công thức để bà con làm theo, quay lại với nhà truyền thống và học cách làm du lịch.

Trong một thời gian dài, giấc mơ ấy chẳng ngày nào ngừng thôi thúc anh.

Những lần đi làm dự án cầu treo trên sông Miện tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên sườn núi, đăm chiêu nhìn xuống thung lũng Tráng Kìm, anh Tĩnh nhận ra ngay đây là vị trí có một không hai trên cao nguyên đá, một nơi hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đầu tư, phát triển du lịch. Sự nhạy bén của một kỹ sư xây dựng mách bảo rằng: "Đây sẽ là nơi ngôi làng H'Mông được tôn tạo".

 

Khi biết anh có ý định làm một khu nghỉ dưỡng tại đây, nhiều người đã ngăn cản: “Chẳng thể hiểu nỗi tại sao Tĩnh lại chọn vị trí chẳng mấy khách du lịch đoái hoài. Trên tuyến đường quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá, có mấy ai dừng chân nơi đây, mà họ thường đi thẳng lên Đồng Văn, Mèo Vạc thôi”.

Bạn bè ngăn cản, gia đình lo lắng khi anh chuẩn bị đổ tiền tỷ vào một nơi nhìn về tương lai không một chút triển vọng. Thậm chí, 3 nhà đầu tư khác đã có kế hoạch hợp tác để đầu tư vào khu nghỉ dưỡng này nhưng vì không nhìn thấy tiềm năng, nên họ sớm rút lui.

Còn anh, anh tin vào trực giác của mình.

Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở. Anh thao thao kể: "Đó là một sườn núi với một mặt bằng thoải xuống có thể xây dựng các công trình kiến trúc. Đằng sau là một hang nước được tạo ra do sự đứt gãy của địa chất, cung cấp nước dồi dào, một điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển với tầm nhìn hướng xuống thung lũng Tráng Kìm, thuộc địa phận 3 xã Cán Tỷ, Đông Hà, Lùng Tám, vị trí này sở hữu tầm nhìn cực kỳ đẹp, mây phủ bốn mùa. Hơn nữa, phía dưới có dòng sông Miện chảy qua nước xanh biêng biếc. Hiếm nơi nào có được".

Cùng lúc, tỉnh Hà Giang cũng vận động doanh nghiệp và người dân làm du lịch. Như được tiếp theo lửa, chẳng gì có thể cản nổi khao khát trong anh. Thế là, anh Tĩnh bắt đầu đặt những nấc thang đầu tiên trong hành trình biến giấc mơ thành hiện thực.

Để thành công, phải bắt tay vào làm. Nhưng khoảng cách giữa ý tưởng và thực tế là một chặng đường đầy gian nan. Thử thách đầu tiên là phải thuyết phục được 100 hộ dân bán lại đất cho doanh nghiệp đầu tư du lịch. Mất một năm ròng rã thương lượng với người dân để có được quỹ đất, anh nói: "Có lẽ chúng tôi đã thất bại nếu không cho người dân thấy được lợi ích kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và của người dân trong việc đầu tư phát triển du lịch nơi đây. Tôi đau đáu, người dân không thể sống mòn trên đá nữa, mà phải sử dụng chính cảnh quan được tạo hóa ban tặng để làm giàu từ du lịch. Và H'Mong Village cam kết tạo công ăn việc làm cho con em những hộ dân này sau khi khu nghỉ dưỡng đưa vào hoạt động”.

Tháng 2/2019, những viên đá đầu tiên cho nền móng H’Mong Village được đặt trên đất Quản Bạ. Trong diện tích 20 ha, những căn bungalow dần hiện ra, cỏ cây hoa lá đâm chồi, chim kêu rít rít, suối chảy róc rách, khu nghỉ dưỡng dần nên hình hài. Từ tháng 7/2020, H’Mong Village được đưa vào sử dụng và đón khách.

 

Ngày nay, khi bước vào H'Mong Village, du khách như đang rảo bước trong một bản làng thực thụ, mà vẫn tận hưởng những tiện nghi của khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hơi thở hiện đại chẳng thể làm mất đi những giá trị xưa cũ, bởi nó bước ra từ ước mơ phục dựng, bảo tồn văn hóa H’Mông của kỹ sư Lại Quốc Tĩnh.

Những chiếc quẩy tấu (hay gùi, địu) trên lưng người phụ nữ H’Mông đi vào kiến trúc của những căn bungalow một cách tinh tế. Đối với người H’Mông, quẩy tấu là cái hồn, bởi nó ngắn liền với cuộc đời của một người từ khi sinh ra đến lúc về với đất mẹ. Quẩy tấu sáng địu em bé lên nương với mẹ, tối mang nông sản thu hoạch về nhà. Khi người H’Mông mất đi, chiếc quẩy tấu cũng được đặt ngoài mộ.

 

Với giá trị độc đáo về kiến trúc, năm 2021, các bungalow của H'Mong Village được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là các ngôi nhà hình quẩy tấu (chiếc gùi của người Mông) được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam.

Đến đầu năm 2022, khu B của H'Mong Village hoàn thành, vốn đầu tư cho đến hiện tại lên đến 170 tỷ đồng. Khu này mô phỏng một bản làng H'Mông gọi là bản Đề Chia. 20 căn nhà trình tường được đặt tên theo 20 dòng họ H'Mông, tái hiện nguyên bản kiến trúc nhà truyền thống, xây dựng hoàn toàn bằng đất, lợp ngói âm dương với một cửa chính và hai cửa sổ hai bên. Sân nhà được bao bọc bằng hàng rào đá, trước mỗi nhà có một cây đào.

 

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng những căn nhà đất nhanh xuống cấp, các kỹ sư dự án đã nghiên cứu và sử dụng một hợp chất phụ gia làm cứng đất, từ đó tạo độ bền cho đất để chống chọi sự bào mòn của thời gian, thời tiết. Anh Tĩnh mong muốn việc sử dụng khoa học công nghệ vật liệu nhằm khắc phục tình trạng nhà nhanh xuống cấp, sẽ tạo ra mô hình để bà con quay lại với kiến trúc nhà truyền thống, vốn là linh hồn của cao nguyên đá.

 

Hiểu được rằng làm du lịch không thể bền vững được nếu đi ngược lại với gốc rễ, văn hóa bản địa, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, môi trường, H'Mong Village mỗi ngày đều chắt chiu một ít màu xanh để biến nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng xanh thực thụ.

Trên 20 ha của khu nghỉ dưỡng, chỉ có khoảng 7,9% diện tích xây dựng nhưng không có nhà cao tầng, còn lại là khuôn viên bãi cỏ, vườn cây. Giữa màu xanh trập trùng, những nếp nhà nâu đất, ngói âm dương ẩn hiện trong mây trông xa tựa như một bản làng cổ kính.

Khuôn viên H'Mong Village có hàng vạn cây xanh đang bám rễ, vươn mình mang đến bầu không khí trong lành cho du khách. Điều đáng nói, những cây xanh được chọn trồng tại đây đều là giống cây bản địa. 2.000 cây mận, 1.000 cây đào, hàng trăm cây lê mùa xuân đơm hoa, mùa hè sai quả. Hai vạn cây sa mộc, loài cây vốn được xem như biểu tượng cho tinh thần khảng khái, vươn lên không ngại khó khăn của mảnh đất địa đầu Tổ Quốc.

Bên cạnh đó, khu nghỉ dưỡng ưu tiên sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như đất, gỗ, đá xanh; cách bài trí đơn giản, hài hòa để tạo một không gian hòa với thiên nhiên.

 

Những nỗ lực xây dựng mô hình du lịch xanh của H'Mong Village bắt đầu hái quả ngọt và được ghi nhận không chỉ trong nước mà vươn tầm khu vực. Đầu năm 2022, khu nghỉ dưỡng H'Mong Village là một trong 5 đại diện của Việt Nam đạt giải thưởng khách sạn xanh ASEAN trong khuôn khổ diễn đàn Du lịch ASEAN tổ chức tại Sihanoukville, Campuchia.

 

Anh Tĩnh cho biết: "Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 xác định rõ chiến lược phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Chắc chắn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chính sách cụ thể để định hướng, quy hoạch, khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững. Du lịch cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vì thế, lợi thế đầu tiên là du lịch đang được tỉnh nhà hết sức quan tâm, vận động phát triển".

 

Trong những năm qua, du lịch Hà Giang được chú trọng nhiều hơn mới chỉ ở giai đoạn được đánh thức dậy. "Dư địa để phát triển du lịch của Hà Giang còn rất lớn, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa 20 dân tộc thiểu số đa dạng", Chủ tịch H'Mong Village chia sẻ, "Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, bà con đi lao động ở miền xuôi, nét văn hóa dần bị mai một. Chính quyền địa phương cần có chính sách kịp thời để gìn giữ, bảo tồn. Nếu nét văn hóa bản địa sẽ nhạt dần đi, du lịch cộng đồng cũng sẽ không còn hấp dẫn".

Đó là những điều mà nhiều người làm du lịch như anh rất trăn trở.

 

Thực hiện: Phương Lê

Ảnh: H'Mong Village