Giải pháp nào cho nhà đầu tư bất động sản đang sa lầy ở các tỉnh lẻ?

Di Anh 10:04 | 26/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia CBRE, việc nhà đầu tư cá nhân đang mắc kẹt tại thị trường tỉnh chính là hệ lụy của các cơn sốt đất bất thường. Nếu nhà đầu tư đang chịu áp lực lãi suất lớn và không đủ khả năng trả nợ thì bắt buộc phải thoát hàng, chịu lỗ.

Nhà đầu tư đi tìm mua đất nền vùng ven. (Ảnh: Di Anh).

Tại hội thảo do CafeLand vừa tổ chức, câu chuyện nhà đầu tư cá nhân bị kẹt tại một số thị trường bất động sản tỉnh (như Bình Phước, Long An, Lâm Đồng) đã được giới chuyên môn đề cập.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam nhìn nhận, đây là một trong những hệ lụy của các cơn sốt đất xuất hiện khi thị trường đi lên quá nhanh, diễn ra một cách bất thường".

Chuyên gia cho biết, hiện các thị trường này không tăng trưởng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Đồng thời, đưa ra lời khuyên trong bối cảnh các khoản đầu tư có tính thanh khoản giảm, người dân cần xác định rõ kỳ vọng đầu tư của bản thân.

"Nếu không đủ khả năng, vay tiền mua và đang chịu áp lực về lãi suất lớn thì bắt buộc phải thoát hàng, chịu lỗ. Còn nếu đủ khả năng và tiềm lực tài chính thì có thể để đó 5 - 7 năm, đầu tư dài hạn chờ đợi tăng giá", ông Kiệt nói.

Tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức trong quý III, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia thông tin giai đoạn này, nhiều người đang bị kẹt vốn, muốn bán hàng ngộp để xoay tiền trả nợ.

Song, chuyên gia này đưa ra góc nhìn khác khi cho rằng, nhà đầu tư vốn khỏe có thể chớp thời cơ nắm bắt, tham gia thị trường ngay từ bây giờ, với điều kiện phải tìm hiểu thông tin, có sự am hiểu đầy đủ về phân khúc dự định đầu tư.

Nếu sở hữu vốn ít, có thể tìm đến các sản phẩm vùng ven có mức giá mềm hơn và nằm trong khả năng tài chính.

Trên thực tế, tình trạng bán cắt lỗ bất động sản thứ cấp đã giảm mạnh trong quý III, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS – FERI).

Đơn vị này đánh giá khoảng thời gian trước năm 2023, thị trường bất động sản đã có giai đoạn phát triển nóng, thiếu kiểm soát. Song, việc Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức hiệu lực sớm đã tạo ra bối cảnh mới, cuộc chơi mới cùng những kỳ vọng mới cho ngành địa ốc.

Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản CTCP FIDT dự báo tới năm 2026, các sản phẩm mang tính đầu cơ như đất vùng ven ở tỉnh (cùng với đất nông nghiệp, biệt thự, bất động sản cao cấp…) sẽ bắt đầu có sự hồi phục.

"Mùa đẹp của chu kỳ bất động sản kế tiếp dự phóng vào khoảng năm 2027 - 2030. Lúc này, tất cả các phân khúc, tất cả các khu vực đều phát triển và có sự lan tỏa. Khi ấy, các nhà đầu tư có thể quay lại thị trường một cách mạnh mẽ hơn với nhiều kỳ vọng tăng trưởng", ông Tùng cho hay.