Giảm lãi suất để tạo điều kiện phát triển khi sản xuất kinh doanh phục hồi

Theo Báo Chính phủ 07:19 | 22/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù việc lãi suất huy động giảm sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.

Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Định hướng và thông điệp rõ ràng

Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN thường xuyên quan tâm chỉ đạo với những định hướng và thông điệp rõ ràng trong việc phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững, phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2024.

Ông Đặng Khắc Vỹ khẳng định những định hướng, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan cùng các chính sách tiền tệ và tài khóa, chính sách đầu tư và thương mại đã giúp cho nền kinh tế đạt được các chỉ số vĩ mô tích cực: GDP tăng trưởng 6,42%, CPI tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng tích cực.

Về tăng trưởng tín dụng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6% trong 6 tháng đầu năm, còn khá xa so với mục tiêu 15% cho cả năm 2024, tuy nhiên cũng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực gia tăng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc cung cấp tín dụng ra thị trường phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống.

Hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp và Nhân dân

Lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai hoạt động kinh doanh trên cơ sở các định hướng, chỉ đạo quan trọng nói trên của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN. Hết 6 tháng đầu năm, VIB có tổng tài sản đạt 431 nghìn tỷ, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng 5%. Tín dụng đạt gần 280 nghìn tỷ, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ là 82%.

Trên cơ sở lãi suất huy động giảm và nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, với tinh thần hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp và Nhân dân, VIB đã tiến hành giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ cho tất cả các phân khúc khách hàng để tăng cường kích thích cả cung và cầu xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong Quý 2, VIB đã tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở, với lãi suất chỉ 5,9%-6,9%-7,9% cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng, song song với các chương trình kích thích tín dụng khác ở các mảng cho vay căn hộ, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô.

 

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.

Trình bày với lãnh đạo Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc, theo ông Đặng Khắc Vỹ, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật các tổ chức tín dụng mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015.

Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.

Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho tổ chức tín dụng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

Thúc đẩy quyết liệt các giải pháp

Tại hội nghị, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo ông Đặng Khắc Vỹ, những chuyển biến thời gian vừa qua của thị trường bất động sản là khá tích cực, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Do ngành ngân hàng ngày càng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ trong danh mục tín dụng của mình, tài sản bảo đảm là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm, nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay và xử lý được nợ xấu.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm", Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nói.

Cũng theo ông Vỹ, cần gia tăng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế một cách sâu rộng, quản trị các ngân hàng một cách bản chất, thực chất khi ngành ngân hàng Việt Nam đang ngày càng hòa nhập vào xu thế toàn cầu. 

Để phát triển lành mạnh, bền vững, đại diện VIB đề xuất NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên tham chiếu, so sánh với các nước phát triển và nước trong khu vực để yêu cầu tất cả các ngân hàng triển khai mạnh mẽ việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Trong đó có: Các chuẩn mực Basel, trong đó có Basel II cơ bản, Basel II nâng cao và Basel III, trong các lĩnh vực quản trị rủi ro chiến lược, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động; các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, trong đó có IFRS; xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, S&P rating, Fitch rating; các chuẩn mực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, minh bạch.

"Chúng tôi cũng đề xuất NHNN đánh giá, xếp hạng các ngân hàng dựa theo các dữ liệu có độ minh bạch cao, từ đó có các giải pháp giám sát, hỗ trợ, quản lý room tín dụng phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh và đảm bảo chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt cần đảm bảo ghi nhận các khoản nợ có vấn đề, nợ cơ cấu một cách đúng bản chất, ghi nhận doanh thu và các khoản dự thu một cách thận trọng theo các chuẩn mực kế toán, từ đó các dữ liệu chính xác về lợi nhuận, vốn, nợ xấu, hệ số CAR, hệ số ROE…", ông Đặng Khắc Vỹ nói.

Cuối cùng, lãnh đạo VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các tổ chức tín dụng được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung: Quy định một trong những phương thức xử lý tài sản bảo đảm là tổ chức tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về trình tự thủ tục để tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm.

Khi quyền hợp pháp của chủ nợ được bảo vệ đầy đủ, trong đó có quyền của các tổ chức tín dụng được thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng lây bởi các khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm, các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh cho vay và áp dụng mức lãi suất phù hợp hơn khi rủi ro liên quan đến quyền của chủ nợ đã được giảm bớt.

Nhật Nam