Gỡ khó cho doanh nghiệp: Hỗ trợ vay vốn, giảm chi phí đầu tư xây dựng

09:27 | 09/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn và giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình vừa được ban hành.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới
 
Ngày 5/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
 
 
 Gỡ khó cho doanh nghiệp: Hỗ trợ vay vốn, giảm chi phí đầu tư xây dựng - ảnh 1
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
 
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới...
 
Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.
 
Các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai chế độ báo cáo thống kê về kết quả tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; báo cáo Ngân hàng Nhà nước các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
 
Các đơn vị thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc...
 
Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và còn có thể kéo dài, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19; trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
 
Thay thế Nghị định 68 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình
 
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình chính thức có hiệu lực từ 9/2/2021 (thay thế Nghị định 68/2019/NĐ-CP), với nhiều nội dung được làm mới.
 
Các chuyên gia và cộng đồng DN đánh giá cao về những điểm mới được bổ sung, sửa đổi tại nghị định này, kỳ vọng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
 
Theo kinhtedothi.vn, chuyên gia Vũ Ngọc Phương – Viện Kinh tế xây dựng cho biết, Nghị định 10/2021/NĐ-CP đã được quy định cụ thể những chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng, đáng chú ý có quy định về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm: Chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước, chi phí bồi thường khác theo quy định. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tái định cư, tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng, chi phí di dời... “Có thể thấy, Nghị định 10/2021/NĐ-CP tiếp tục có thêm nhiều điểm được bổ sung và quy định chi tiết hơn so với Nghị định 68/2019/NĐ-CP” – ông Vũ Ngọc Phương nhìn nhận.
 
 
Gỡ khó cho doanh nghiệp: Hỗ trợ vay vốn, giảm chi phí đầu tư xây dựng - ảnh 2
 Nghị định 10/2021/NĐ-CP rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp triển khai dự án.
 
Theo chuyên gia Lê Thu Hiền – Hội Kế toán hành nghề Việt Nam, Nghị định 10/2021 nhiều nội dung chi tiết hơn các khoản phí, đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 68/2019. Riêng quy định về chi phí thiết bị cũng rất cụ thể như chi phí mua sắm thiết bị xác định theo khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế, danh mục thiết bị trong dự án được phê duyệt và giá mua thiết bị tương ứng; Chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ dự án; chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thuế và chi phí khác có liên quan được xác định bằng dự toán do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành...
 
“Ngoài ra, Nghị định 10/2021 cũng quy định cụ thể những chi phí liên quan đến quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng và chi phí khác. Cùng với đó, quy định về chi phí các hạng mục chung cũng được lược bỏ, chi phí này được xác định theo định mức tỷ lệ % hoặc lập dự toán chi tiết. Tuy nhiên, nội dung này vẫn cần phải chờ Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể” – bà Lê Thu Hiền cho hay.
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty VIDEC Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Nghị định số 10/2021 quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với dự toán gói thầu xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng liên quan đến việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định hoặc yêu cầu thẩm tra dự toán xây dựng công trình...
 
“Cùng với đó, quy định giao chủ đầu tư thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án... đã được lược bỏ, bổ sung đã làm giảm thiếu thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp” – ông Nguyễn Quốc Dũng nhìn nhận.
 
Theo đại diện Bộ Xây dựng, Nghị định 10/2021 được ban hành không chỉ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình triển khai dự án, mà còn giúp giảm thiểu những chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ tính riêng tại Bộ Xây dựng, với công tác thẩm định thời gian qua tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 2,33 - 4,83% tổng mức đầu tư; tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định khoảng từ 3,74 - 4,3% giá trị đề nghị thẩm định. Trong khi đó, kết quả thẩm định tại các địa phương cũng góp phần giảm thiểu chi phí cho DN, trong đó, tổng số hồ sơ dự án thực hiện sửa đổi sau khi thẩm định giảm còn 40%. Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,29 - 4,25% tổng mức đầu tư...
 
"Thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đầy đủ, đồng bộ góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng đảm bảo an toàn công trình” - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho hay.
 
"Nghị định 10/2021/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức PPP... Đồng thời sửa đổi quy định về phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn, như vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách và vốn khác sang vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác cho phù hợp với điều kiện thực tế."- Luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt NamNgày 5-3, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
 
Minh Hoa